CTA hay Call To Action là một yếu tố đóng vai trò như một biển chỉ dẫn giúp người dùng biết họ cần làm gì tiếp theo để hoàn tất giao dịch. Chúng ta nên đặt CTA trên trang web của mình ở đâu? Có mấy dạng CTA phổ biến? Những yếu tố nào tạo nên một mẫu Call to Action hiệu quả? Đó chính xác là những gì Lagital sẽ chia sẻ trong bài viết này.
CTA (call to action) là gì?
CTA – “Call to action” dịch sang tiếng Việt có nghĩa là lời kêu gọi hành động. Đúng như tên gọi của nó, CTA là lời nhắc, lời yêu cầu người dùng thực hiện một số hành động cụ thể.
Lời kêu gọi hành động thường được viết dưới dạng lệnh hoặc cụm từ hành động, chẳng hạn như “Nhấp vào đây”, “Đăng ký” hoặc “Mua ngay bây giờ”,…
CTA thường xuất hiện dưới dạng một nút hoặc một siêu liên kết đến một trang web, nơi mà người dùng có thể thực hiện thêm hành động.
Nếu không có CTA rõ ràng, người dùng có khả năng rời khỏi trang web mà không hoàn thành bất kỳ tác vụ nào khác. Điều này đồng nghĩa với việc tỷ lệ thoát trang của bạn có thể tăng lên. Ngược lại, nếu có CTA ở cuối bài đăng, người dùng sẽ nắm được các bước tiếp theo cần thực hiện để mua sản phẩm hoặc đăng ký nhận tài liệu miễn phí.
4+ Yếu tố tạo nên CTA hiệu quả
CTA càng hiệu quả thì tỷ lệ chuyển đổi càng cao. Và để xét xem một CTA có hiệu quả hay không, người ta còn phải phụ thuộc vào 4 yếu tố, đó là:
1. Thiết kế
- Về kích thước
Để thu hút sự chú ý của người xem, nút CTA phải luôn lớn hơn văn bản và hình ảnh xung quanh nó, đồng thời không có quá nhiều khoảng trống trên một nút.
Kích thước CTA cũng sẽ phụ thuộc vào thiết bị, chẳng hạn như máy tính để bàn hoặc điện thoại. Ví dụ: nghiên cứu của Apple nói rằng “CTA trên thiết bị di động phải tối thiểu 44 × 44 pixel, trong khi đó Microsoft khuyến nghị 34 × 26 pixel”.
- Về màu sắc
Cách lựa chọn màu sắc được sử dụng trên CTA có thể ảnh hưởng đến việc người dùng có nhấp chuột hay không. Hãy đảm bảo màu sắc của nút và màu nền tương phản nhau để lời kêu gọi hành động nổi bật so với các yếu tố khác trên trang web. Ví dụ, với màu nền đang sử dụng là màu trắng, bạn có thể sử dụng nút CTA có màu đỏ.
Tuy nhiên không phải lúc nào màu đỏ cũng là màu hiệu quả nhất. Thay vào đó bạn có thể sử dụng màu xanh lá cây hoặc màu xanh lam vì những màu này gợi lên sự tin tưởng về mặt tâm lý. Hãy suy nghĩ về chân dung khách hàng mục tiêu để chọn màu phù hợp với năng lượng của họ và giao diện tổng thể của cả trang.
- Về hình dạng
Nút CTA hình chữ nhật là phổ biến nhất nhưng bạn không nhất thiết phải làm theo khuôn mẫu. Bạn hoàn toàn có thể thay bằng nút CTA có hình tròn, hình elip,… và theo dõi trong vòng vài ngày để xem nó có giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi không.
- Một số lưu ý quan trọng khi thiết kế CTA
- Tránh tạo ra CTA giống nhau, nên thiết kế có sự khác biệt về màu sắc, kích thước,… để user phân biệt được đâu là CTA chính, đâu là CTA phụ;
- Link nên có màu khác để không bị nhầm lẫn với nội dung thông thường;
- CTA nên được thiết kế rõ ràng và có chú thích bước tiếp theo để người dùng không thấy hoài nghi;
- Ưu tiên để nút CTA bạn muốn người dùng click vào ở phía bên phải;
- Mỗi nút CTA nên có khoảng cách với các nút còn lại để tránh bấm nhầm;
- Chỉ nên viết hoa các chữ cái đầu tiên, không nên viết hoa hết. Ví dụ: “Click Here” thay vì “CLICK HERE”
- Đừng nhấn mạnh hay thiết kế quá nổi bật với những CTA không tốt như: “Hủy đăng ký”; “Hủy tài khoản”,…
2. Thông điệp
Mọi người thường chỉ nhìn lướt xem các nút CTA nói đến nội dung gì và tiếp thu thông tin một cách nhanh chóng. Vì vậy thông điệp mà CTA cần truyền tải chỉ nên gói gọn trong một vài từ, càng ít càng tốt nhưng vẫn phải đảm bảo cung cấp thông tin về những gì họ đang đăng ký hoặc mua.
Đối với trang web bán hàng, một số thông tin mà bạn có thể đưa vào CTA như:
- Kích thước;
- Thông tin giao hàng và trả hàng;
- Số lượng hàng hóa còn lại;
- Các tùy chọn thanh toán thay thế, chẳng hạn như trả góp;
- Thông tin khẩn cấp (thường kèm theo đồng hồ đếm ngược).
Để cung cấp cho bạn một vài ý tưởng hay về cách truyền tải thông điệp CTA hiệu quả, hãy cùng tìm hiểu kỹ 2 ví dụ dưới đây:
- Ví dụ 1: Giữa 2 CTA là “Tải xuống” và “Tải tài liệu MIỄN PHÍ về thiết bị của bạn” thì CTA thứ hai có được tỷ lệ chuyển đổi cao hơn gần 11%;
- Ví dụ 2: Giữa 2 CTA là “Bắt đầu bản dùng thử 30 ngày miễn phí của bạn” và “Bắt đầu bản dùng thử 30 ngày miễn phí của tôi” thì CTA thứ hai có tỷ lệ chuyển đổi lên đến 90%.
3. Vị trí
Đâu là vị trí tốt nhất để khách truy cập có nhiều khả năng click vào nút CTA nhất? Có người khẳng định rằng vị trí tốt nhất trên trang là ở đầu trang, gần tiêu đề và không cần cuộn xuống dưới.
Tuy nhiên, nó không đơn giản như vậy, khách truy cập mới sẽ yêu cầu thêm thông tin trước khi nhấp vào CTA và họ sẽ tìm kiếm bằng cách cuộn xuống trang. Điều đó có nghĩa là vị trí tốt nhất cho vị trí CTA của bạn phụ thuộc vào mục tiêu chuyển đổi trang web của bạn và trải nghiệm bạn muốn cung cấp cho khách truy cập của mình.
Theo Kissmetrics, vị trí CTA nên được quyết định bởi độ phức tạp của một trang. Đối với một trang ngắn và ít thông tin, bạn nên đặt CTA phía trên cùng bên phải của trang. Đối với một trang dài hơn với nội dung rõ ràng và chi tiết hơn, bạn nên đặt CTA ở cuối trang.
Như trên nhiều trang web, CTA nằm trong thanh menu và vẫn hiển thị khi bạn cuộn. Để làm cho CTA hiển thị rõ ràng hơn, đôi khi màu của nó sẽ thay đổi khi khách truy cập cuộn xuống cuối trang. Đây có lẽ là câu trả lời cuối cùng cho vị trí tốt nhất đặt CTA. Khách truy cập có thể tìm hiểu thêm về dịch vụ và chuyển sang giai đoạn tiếp theo bất cứ khi nào họ muốn.
4. Chạy thử nghiệm
Nếu CTA của bạn hoạt động kém hiệu quả, đặc biệt khi có liên quan đến các CTA khác trên cùng một trang web, bạn có thể xem xét thay đổi một chút CTA thông qua việc chạy thử nghiệm A/B.
Chạy thử nghiệm CTA có nghĩa là bạn tạo ra thêm một bản sao giống như CTA hiện tại, sau đó thay đổi một phần tử đơn lẻ của CTA (chẳng hạn như màu của nút, kích thước, vị trí, cỡ chữ,…) và xuất bản cả hai CTA cùng nhau. Một nửa số khách truy cập của bạn sẽ thấy biến thể A và nửa số khách truy cập còn lại sẽ nhận được biến thể B.
Điều này cho phép bạn dễ dàng xác định yếu tố nào khiến nhiều khách truy cập nhấp vào CTA hơn. Sau khi các biến thể CTA tồn tại trong một khoảng thời gian đáng kể, bạn có thể thay đổi vĩnh viễn CTA thành biến thể mới hoặc sử dụng biến thể mới này trong một lần chạy thử nghiệm A/B khác.
Hiệu quả của lần chạy thử nghiệm này có thể được đo lường bằng một vài yếu tố khác nhau như số lượt click, số lượng khách hàng tiềm năng hoặc số lượt đăng ký.
Ưu điểm của phương pháp chạy thử nghiệm A/B là nhà thiết kế web vẫn có thể đo lường hiệu quả của CTA khi thay đổi 1 phần tử bất kỳ mà người dùng không cảm thấy bất tiện.
→ Tham khảo:
6+ Dạng CTA phổ biến để bạn tham khảo
Nếu bạn muốn biến những khách truy cập thông thường trở thành khách hàng tiềm năng, biến khách hàng tiềm năng trở thành khách hàng. Và cuối cùng là biến khách hàng hiện tại trở thành người quảng bá sản phẩm thì bạn phải tạo nhiều loại CTA khác nhau để phục vụ các đối tượng khác nhau này, đó có thể là:
1. Call To Action sáng tạo
Hãng rượu vodka nổi tiếng của Pháp có tên Grey Goose đã phát hành CTA mang tựa đề: “Discover a cocktail tailored to your taste”, tạm dịch “Khám phá một loại cocktail phù hợp với sở thích của bạn” kèm theo một nút phát video bên cạnh.
Tất cả mọi người ai cũng muốn được cá nhân hóa, bởi vậy loại CTA này giống như một trò chơi hấp dẫn và có thể thu hút mọi người nhấp vào. Biểu tượng nút phát bên cạnh nội dung gợi ý rằng khách truy cập sẽ được đưa đến một video để họ biết rõ hơn về loại cocktail phù hợp với sở thích của mình sau khi họ nhấp vào.
2. CTA tạo sự tò mò
Thông thường, trong hầu hết các ngành, khách truy cập trang web sẽ không sẵn sàng mua hàng của bạn ngay lập tức. Có thông tin mà họ muốn tìm hiểu kỹ hơn, có những câu hỏi mà họ cần được trả lời trước khi họ sẵn sàng mua hàng.
Điều này đặc biệt đúng khi người dùng truy cập vào trang chủ của bạn. Nếu bạn cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ hoặc có nhiều tính năng trong một sản phẩm, thật khó để biết mọi người sẽ quan tâm đến điều gì khi họ lần đầu tiên đến trang web của bạn.
Vậy lúc này bạn nên làm gì? Hãy đặt một nút CTA mời họ “Tìm hiểu thêm” hay “Đọc thêm”.
Bằng cách đó, mọi người sẽ phải nhấp qua để đọc bất kỳ bài đăng nào thay vì cuộn xuống trang chủ. Điều này đảm bảo bài đăng nhận được lưu lượng truy cập thực tế, chứ không phải qua trang chủ.
Loại CTA này khá phổ biến và giúp bạn có thể tìm hiểu những gì người dùng muốn khi truy cập website của bạn thông qua những gì mà họ vừa nhấp vào.
3. CTA giúp giải quyết vấn đề
Dạng CTA này đưa ra vấn đề mà nhiều người dùng đang gặp phải và hứa hẹn chỉ cần click vào thì người dùng có thể tìm ra hướng giải quyết.
Ví dụ: “Bán hàng online không ra đơn phải làm sao? Để lại email của bạn để được tư vấn miễn phí”
Không ai mong muốn mình bán hàng ế ẩm cả. Đó là lý do tại sao một nút kêu gọi hành động như trên lại rất có giá trị nhấp chuột.
4. CTA củng cố niềm tin
Loại CTA này sẽ đưa ra một bằng chứng thuyết phục về vấn đề nào đó để khách hàng tin tưởng hơn vào sản phẩm.
Ví dụ: “Đạo diễn Vũ Hồng Sơn đã chữa khỏi bệnh tiểu đường sau 2 tháng nhờ viên uống Metformin. Dùng thử ngay”
5. CTA kèm theo lợi ích
Bạn cần làm gì khi một người nào đó trở thành khách hàng tiềm năng nhưng vẫn chưa sẵn sàng để đặt niềm tin cho sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn? Bạn phải lôi kéo họ bằng một loại ưu đãi như “Dùng thử bản demo sản phẩm”, “Dùng thử miễn phí” hoặc “Báo giá miễn phí”. Không ai có thể từ chối trước những lợi ích đầy hấp dẫn như vậy cả.
Bạn có thể đặt CTA này trong một bài đăng trên blog hoặc ở cuối trang cảm ơn của một ưu đãi tiếp thị khác.
Dưới đây là một ví dụ điển hình về một CTA kèm theo lợi ích của hãng Netflix: “Join Free for a Month”, tạm dịch “Tham gia miễn phí trong một tháng”.
Người dùng có một nỗi sợ hãi lớn trước khi cam kết đăng ký một thứ gì đó, chính là sẽ rất khó để hủy đăng ký nếu họ không cảm thấy thích nữa. Netflix đã đánh tan nỗi sợ hãi đó từ trong trứng nước bằng dòng text “Hủy bất cứ lúc nào” ngay trên CTA “Tham gia miễn phí trong một tháng”.
6. CTA kèm mốc thời gian
Loại CTA này thường có dạng “Ưu đãi trong thời gian có hạn”, kèm theo đồng hồ đếm ngược để kích thích người tiêu dùng mua hàng ngay trong thời gian đó.
Đây là một cách sử dụng kinh điển của chiến thuật tâm lý được gọi là sự khan hiếm. Nguyên tắc tâm lý học này được lý giải theo mối quan hệ ngược chiều giữa cung và cầu: sản phẩm càng hiếm thì nó càng có giá trị. Khi nhìn thấy CTA này, chúng ta sẽ gán nhiều giá trị hơn cho những thứ mà chúng ta nghĩ là khan hiếm. Việc giới hạn thời gian ai đó phải mua càng sớm càng tốt khiến mọi người phải mua hàng ngay, nếu không sẽ hết khuyến mãi.
Sự thật là CTA sẽ cài đặt lại thời gian lại từ đầu khi bộ đếm thời gian về 0.
Một trong những lý do chính khiến hầu hết các trang bán hàng không chuyển đổi khách hàng tiềm năng thành người mua là vì CTA không thực sự hấp dẫn. Hy vọng một số mẹo nhỏ trong bài viết này sẽ giúp bạn cải thiện tỷ lệ chuyển đổi trong tương lai.