Menu Đóng

Hướng dẫn cách đọc sách hiệu quả qua 7 bước!

Chào bạn, những người thích đọc sách nhưng không biết đọc như thế nào cho hiệu quả! Trong bài viết này, hãy cùng Lagital.Com tìm hiểu những kiểu đọc sách thường gặp, cách đọc sách hiệu quả và thời điểm đọc sách tốt nhất nhé!

Tham khảo: 30+ cuốn sách hay nên đọc ngay!

4+ Kiểu đọc sách thường gặp

Trong quá trình đọc sách, bạn sẽ cần sử dụng tới nhiều kỹ thuật đọc để phù hợp với mục đích và đặc điểm của từng chủ đề khác nhau. Dưới đây là 4 kiểu đọc sách thường gặp nhất:

1. Đọc chủ động

Đọc chủ động là cách đọc sách hiệu quả mà người đọc đồng thời tiếp nhận và phản hồi thông tin. Người đọc sẽ phản hồi thông tin một cách có ý thức trong suy nghĩ và thể hiện ra bằng hành động như viết, đánh dấu hay nói ra những gì họ cảm nhận được trong quá trình đọc.

Không phải lúc nào người đọc cũng đồng ý với luận điểm của người viết mà họ có thể phản bác hoặc bổ sung thêm thông tin mà tác giả chưa đề cập tới. Những quan điểm đứng từ góc nhìn của người đọc như vậy đều dựa trên kiến thức và kinh nghiệm mà họ đã trải qua. Sau đó từ những so sánh mang tính khách quan này mà người đọc có thể rút ra cho mình những bài học, kiến thức cần thiết.

2. Đọc thụ động

Ngược lại với đọc chủ động là đọc thụ động. Trong cách đọc thụ động, người đọc chỉ tiếp nhận thông tin một chiều và hoàn toàn đồng ý với quan điểm của tác giả mà không đưa ra bất cứ ý kiến phản hồi nào.

Đọc thụ động không phải là xấu. Chẳng hạn như các hằng đẳng thức và hàng trăm công thức toán – lý – hóa mà chúng ta được đọc và học ở trường cũng chính là hình thức đọc thụ động.

3. Đọc nông

Đọc nông là một trong những cách đọc sách với mục đích giải trí hoặc để cải thiện khả năng đọc trôi chảy. Việc người đọc có hiểu được từng nội dung được viết trong sách hay không không thực sự quan trọng.

4. Đọc sâu

Đọc sâu là phương pháp yêu cầu người đọc phải đọc văn bản một cách cẩn thận với sự tập trung cao độ.

Mục đích của việc đọc sâu là người đọc phải nắm được các chi tiết cụ thể và hiểu được thông điệp sâu sắc mà tác giả muốn truyền tải qua từng câu chữ.

Hướng dẫn cách đọc sách hiệu quả qua 7 bước

Hãy chọn một cuốn sách trong tủ sách của bạn, càng cũ càng tốt, liệu bạn có còn nhớ được nội dung của cuốn sách này không? Nếu câu trả lời là “không” hoặc bạn chỉ nhớ mang máng thì có lẽ bạn đọc sách chưa thực sự hiệu quả. Thế thì hãy cùng chúng tôi tìm hiểu cách đọc sách hiệu quả qua 7 bước dưới đây:

  1. Chọn sách
  2. Xác định mục tiêu đọc sách
  3. Xem mục lục sách để nắm được nội dung chính
  4. Đọc những phần quan trọng trước tiên
  5. Đọc sâu, nghiền ngẫm
  6. Ghi chú, khi đọc
  7. Hiểu ẩn ý tác giả muốn truyền đạt qua sách

Cụ thể:

1. Chọn sách

Để đọc sách hiệu quả thì đầu tiên là bạn phải chọn đọc những cuốn sách mà bạn thực sự thích. Nhưng sự thật là có quá nhiều người chọn sách theo sở thích của người khác chứ không phải của mình. Vì sao vậy? Lý do đến từ sức hấp dẫn của những cuốn sách gắn mác “Best seller” hoặc cơn sốt muốn được sở hữu ấn bản mới nhất khiến người đọc chạy theo những tác phẩm kinh điển nhưng nội dung chưa chắc phù hợp với mình.

Tham khảo:

Mỗi năm tại Việt Nam xuất bản hàng chục triệu cuốn sách với đủ các thể loại từ sách kinh doanh, sách tâm lý đến các thể loại sách giải trí, sách khoa học,… Bạn cần phải xác định xem mình thích và muốn tìm hiểu về lĩnh vực nào nhất, sau đó chọn sách vẫn chưa muộn.

Ngoài lựa chọn thể loại sách, bạn còn phải chọn cách thức mua sách: Mua online hay mua tại cửa hàng. Hiện nay, Tiki là sàn thương mại điện tử chuyên về sách lớn nhất tại Việt Nam. Click tham khảo ngay:

2. Xác định mục tiêu đọc sách

Sau khi đã cầm sách trên tay, bạn cần nghĩ và viết ra giấy những mục tiêu cụ thể mà bạn muốn đạt được sau khi đọc cuốn sách này.

Có ba nhóm mục tiêu chính của việc đọc sách gồm có giải trí, tìm kiếm thông tin và mở mang kiến thức.Trừ mục đích giải trí, chắc chắn bạn sẽ có một vài câu hỏi cần được trả lời. Hãy ghi chúng ra giấy trước khi đọc để giúp bạn xác định mình cần tập trung vào nội dung nào của cuốn sách.

Chưa hết, bạn cũng cần đặt mục tiêu về thời lượng đọc sách mỗi ngày nữa. Đọc sách “bữa có bữa không” không phải là cách đọc sách hiệu quả đâu nhé. Để rèn thói quen này, bạn cần dành chút thời gian cố định mỗi ngày cho việc đọc và nghiền ngẫm về sách.

3. Xem mục lục sách để nắm được nội dung chính

Mục lục chính là dàn ý chi tiết, giúp cho người đọc có thể tóm gọn nội dung chính của cả một cuốn sách, nhất là đối với những ấn bản dài hàng ngàn trang. Mục lục càng súc tích và chi tiết thì người đọc càng dễ nắm được ý chính.

Khi bạn đang đọc mục lục, hãy đánh dấu highlight bên cạnh các chương và phần của cuốn sách mà bạn muốn tìm hiểu sâu hơn.

4. Đọc những phần quan trọng trước tiên

Bạn nên đi thẳng vào đọc những nội dung trọng điểm trước, vì nó phù hợp với mục đích đọc sách mà ban đầu bạn đã thiết lập.

Phần này yêu cầu phải đọc thật kỹ, thật chậm, nhất là khi bắt gặp một khái niệm mà bạn chưa từng biết đến trước đây thì bạn mới có thể thực sự đi sâu vào chủ đề mà bạn đang tìm hiểu.

Đối với nội dung còn lại, thay vì đọc từng câu, từng chữ, hãy chuyển sang “đọc lướt” để vẫn có thể theo dõi được mạch văn của cuốn sách mà không tốn quá nhiều thời gian.

5. Đọc sâu, nghiền ngẫm

Sau khi bạn đọc xong ý chính, một phần hoặc một chương, hãy dành một chút thời gian để mọi thứ ngấm vào đầu trước khi bạn bắt đầu đọc trở lại. Não bộ cần phải tốn chút thời gian xử lý thông tin thì mới thực sự chuyển hóa thành tri thức của riêng bạn. Đây chính là cách đọc sách hiệu quả mà đôi khi bạn không để ý.

Đối với kỹ năng đọc sâu, người đọc cần phải tương tác gián tiếp với tác giả thông qua việc đặt câu hỏi. Cụ thể, có ba câu hỏi cốt lõi mà chúng ta cần phải trả lời được khi nghiền ngẫm một cuốn sách, gồm có:

  • Tác giả muốn nói gì?
  • Những lý lẽ, bằng chứng mà tác giả trình bày trong sách có tính xác thực hay không?
  • Bạn đồng ý hay không đồng ý với quan điểm của tác giả? Vì sao?

Hãy cố gắng kết nối những thông tin được nói đến trong sách với những gì mà bạn đã đọc hoặc đã trải nghiệm.

Nếu cuốn sách nhắc nhở bạn về điều gì đó trong cuộc sống của chính mình, hãy ghi nhớ thật cẩn thận. Nếu bạn xúc động với những gì bạn đọc được, hãy cho bản thân một chút thời gian để ổn định cảm xúc và tự hỏi bản thân xem điều gì khiến bạn phản ứng mãnh liệt như vậy. Những cảm xúc chân thật đó sẽ giúp cho nội dung cuốn sách trở nên đặc biệt và đáng nhớ hơn rất nhiều.

6. Ghi chú khi đọc

Để ghi nhớ sâu sắc những kiến thức mà bạn học được trong sách thì bạn bắt buộc phải sử dụng đến giấy bút. Vừa đọc vừa ghi chép sẽ giúp bạn kiểm tra lại xem mình đã lĩnh hội được bao nhiêu phần trăm nội dung và giúp ghi nhớ tốt hơn những kiến thức trong sách.

Mọi người thường nói rằng “mỗi lần ghi là một lần nhớ” là hoàn toàn có cơ sở. Chính nhà khoa học D.I. Mendeleev cũng đã từng nói: “Ý nghĩ không được ghi chép lại chỉ là một kho báu bị giấu biệt”. Một số nhà nghiên cứu tư duy con người cũng đã khẳng định ghi chép giúp con người nhớ lâu hơn việc đọc suông gấp 3 lần.

Bạn có thể ghi những suy nghĩ, quan điểm của bản thân ra một quyển sổ riêng hoặc ghi ra giấy nhớ và gắn trực tiếp lên trang sách đang đọc. Sau này khi mở sách ra đọc lại, chắc chắn bạn có thể dễ dàng nhớ lại một phần kiến thức trong sách dù cho đã bị lãng quên theo thời gian.

7. Hiểu ẩn ý tác giả muốn truyền đạt qua sách

Mục đích đỉnh cao của việc khám phá cách đọc sách hiệu quả là hiểu được ẩn ý mà tác giả muốn truyền đạt đằng sau những trang sách ấy. Những ẩn ý này chính là bài học về cuộc sống và lời nhắn nhủ của tác giả về đạo đức lối sống hay kiến thức chuyên môn. Việc đọc thật nhiều sách chính là cách khiến bản thân mình sống có chiều sâu và hiểu được những câu từ ẩn ý sâu sắc như vậy, chứ không chỉ dừng lại ở việc tiếp thu “ý trên mặt chữ”.

Đọc sách lúc nào là tốt nhất?

Không phải đọc sách vào thời điểm nào trong ngày thì não bộ cũng xử lý và tiếp thu thông tin với hiệu suất như nhau. Theo như lời khuyên của chuyên gia thì có 2 thời điểm tốt nhất để bạn đọc sách là:

1. Đọc sách vào buổi sáng

Vào buổi sáng, nhất là thời gian từ 5-7h là lúc não bộ tiếp thu thông tin tốt nhất và bạn cũng thường tỉnh táo nhất. Thời điểm buổi sáng là lúc bạn mới ngủ dậy, chưa phải chịu bất kỳ áp lực nào trong ngày nên cơ thể luôn ở trạng thái tốt nhất.

Chưa dừng lại ở đó, thói quen đọc sách buổi sáng còn đem lại rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe như:

  • Giảm căng thẳng nếu như đọc sách ít nhất 6 phút liên tục mỗi ngày;
  • Rèn luyện trí óc và giữ cho bộ não luôn tỉnh táo;
  • Cải thiện kỹ năng giao tiếp.

2. Đọc sách vào khoảng 21g -22g

Buổi tối thường là thời gian dành cho giải trí và nghỉ ngơi, chúng ta cũng không phải bận tâm chuyện công việc hay gia đình. Khi đọc sách trong thời gian này, bạn sẽ thấy dễ hiểu hơn vì thời tiết rất dễ chịu, đối với mùa hè thì không phải chịu cái nắng nóng như ban ngày nữa.

Đối với một số người, đọc sách vào thời điểm này còn giúp họ thư giãn đầu óc và ngủ ngon hơn. Những bạn đang bị mất ngủ nên cân nhắc đọc sách trước khi đi ngủ hơn là dùng smartphone.

Lưu ý: Mặc dù buổi sáng và khung giờ 21-22h là thời điểm tốt nhất để đọc sách nhưng nó chỉ thật sự hiệu quả khi bạn trong trạng thái thư giãn và không bị căng thẳng. Đọc sách khi bị phân tâm là không có chất lượng, đọc nhưng không hiểu mình đọc cái gì. Bởi vậy khi bạn quá căng thẳng thì cần nghỉ ngơi một chút trước khi đọc nhé.

Hy vọng qua những chia sẻ trên đây bạn đã nắm được cách đọc sách hiệu quả. Ngay hôm nay, hãy lên kế hoạch và mục tiêu đọc sách để trang bị cho mình những kiến thức bổ ích, đừng lười nữa nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *