Lý do gì khiến bạn không dám bắt tay xây dựng một kênh podcast cho riêng mình, ngay cả khi đã vạch ra rất nhiều ý tưởng hoàn chỉnh? Do ngân sách hạn hẹp? Hay do bạn chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc thu phát và chỉnh sửa âm thanh? Dù lý do là gì hãy tham khảo hướng dẫn cách tạo kênh podcast chi tiết từ A đến Z qua 8 bước mà chúng tôi chia sẻ dưới đây để bạn sở hữu được một kênh Podcast thu hút nhé!
Tìm hiểu: Podcast là gì?
Bước 1. Chọn chủ đề cho kênh Podcast
Việc đầu tiên cần làm khi muốn bắt đầu tạo kênh podcast là xác định chủ đề.
Khi lựa chọn chủ đề cho podcast, hãy cân nhắc xem: Liệu bạn có vui vẻ khi thực hiện các tập mới về chủ đề này trong ít nhất 2 năm tới kể từ thời điểm này không? Hãy chọn một chủ đề nào đó mà bạn đam mê. Niềm đam mê sẽ là động lực lớn nhất giúp bạn kiên trì khi mọi thứ trở nên khó khăn.
Bên cạnh đó, hãy tự vấn bản thân mình 3 câu hỏi sau:
1.1. Mục tiêu khi xây dựng kênh podcast của bạn là gì?
Một số mục tiêu bao gồm:
- Tìm kiếm khách hàng mới cho một doanh nghiệp;
- Xây dựng thương hiệu cá nhân;
- Kiếm thêm thu nhập thụ động,…
1.2. Chương trình dành cho ai?
Trong lĩnh vực tiếp thị có thuật ngữ “khách hàng mục tiêu” thì với podcast cũng vậy. Việc định hình chính xác người nghe là ai sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cách mà người nghe nghĩ và cảm nhận, từ đó tạo cảm giác thân mật và dễ dàng kết nối hơn với người nghe của bạn.
Ví dụ: Kênh podcast của bạn chuyên chia sẻ những câu chuyện về khởi nghiệp thì người nghe sẽ là chủ doanh nghiệp nhỏ hoặc những bạn trẻ có ý định muốn khởi nghiệp.
1.3. Làm thế nào để chương trình của bạn trở nên nổi bật?
Điều gì đáng chú ý về podcast của bạn khiến mọi người phải bàn tán về nó? Một cách đơn giản để trở nên nổi bật là chọn một ngách nội dung càng sâu càng tốt, nhất là những ngách chưa từng có podcaster nào phân phối nội dung. Tuy nhiên điều này có vẻ không hề đơn giản chút nào.
Một cách khác để podcast trở nên nổi bật là thông qua phong cách diễn đạt và cá tính của bạn. Có những podcaster nói về chủ đề công nghệ, tưởng chừng khô khan nhưng họ lại có lượng lớn subscribers trên các nền tảng trực tuyến như Spotify, iTunes, Stitcher, Google Podcasts và Apple Podcasts (ứng dụng podcast đi kèm với hệ điều hành iOS) nhờ vào cách nói chuyện hài hước, dí dỏm của mình.
Dưới đây là một số chủ đề bạn có thể tham khảo:
- Hội họa (Arts);
- Kinh doanh (Business);
- Sách nói (Audiobook);
- Truyện hài (Comedy);
- Giáo dục (Education);
- Viễn tưởng (Fiction);
- Sức khỏe (Health & Fitness);
- Chính trị (Government);
- Lịch sử (History);
- Gia đình (Kid & Family);
- Âm nhạc (Music);
- Tin tức (News);
- Khoa học (Science);
- Văn hóa xã hội (Society & Culture);
- Thể thao (Sports);
- Công nghệ (Technology).
Bước 2. Lập kế hoạch nội dung
Sau khi chọn được chủ đề chính cho kênh Podcast của mình, bước tiếp theo là xây dựng kế hoạch phát triển kênh một cách chi tiết, bao gồm việc chọn format, đặt tên kênh, đặt tiêu đề, chọn thời lượng và chọn tần suất phát hành.
2.1. Chọn format kênh
Chúng ta có 3 định dạng kênh podcast phổ biến, bao gồm:
– Podcast solo: Còn được gọi là độc thoại.
- Ưu điểm: Đây là format đơn giản và tiết kiệm nhất dành cho người mới bắt đầu, bởi vì bạn không cần trả tiền cho khách mời hoặc người dẫn chương trình. Podcast cũng là của riêng bạn, vì vậy bạn có thể kêu gọi tài trợ và kiếm tiền mà không cần phải chia lợi nhuận với bất kỳ ai.
- Nhược điểm: Một trong những thách thức lớn nhất mà bạn có thể gặp phải khi lựa chọn podcast solo là cảm giác tâm lý khi đang nói chuyện với chính mình.
– Co-hosted Podcast: Bạn sẽ dẫn dắt chương trình chung với một hoặc nhiều người bạn khác nữa.
- Ưu điểm: Một số podcast có sự ăn ý tuyệt vời giữa những người dẫn chương trình sẽ tạo ra trải nghiệm nghe tuyệt vời.
- Nhược điểm: Bạn không chỉ cần dành thời gian để ghi hình mà thời gian đó cũng phải phù hợp với người đồng dẫn chương trình. Ngoài ra còn có một số vấn đề nữa như: podcast thuộc quyền sở hữu của ai? Chia lợi nhuận như thế nào? Và điều gì sẽ xảy ra nếu người còn lại mất hứng thú hoặc đem lại hiệu không tốt?
– Podcast phỏng vấn: Mời những người có chuyên môn đến chương trình để chia sẻ về một chủ đề cụ thể.
- Ưu điểm: Thực hiện một chương trình phỏng vấn mang lại cho bạn cơ hội trò chuyện với người mà bạn luôn ngưỡng mộ. Trên hết, khách mời của bạn cũng sẽ có khán giả của riêng họ, vì thế nếu cuộc phỏng vấn thực hiện thành công, bạn thực sự có thể tăng lượng khán giả theo cách này.
- Nhược điểm: Phỏng vấn là một kỹ năng mà không phải cũng có thể làm tốt. Bạn sẽ cần liên tục tìm và tiếp cận khách mời, lên lịch phỏng vấn và dẫn dắt làm sao để khách mời sẵn sàng chia sẻ những gì mà họ biết.
Ngoài ra còn có một số format khác không được sử dụng quá phổ biến nhưng có thể phù hợp với bạn, ví dụ như: Podcast kể chuyện, podcast kết hợp, roundtable podcast,…
Việc lựa chọn format kênh có thể thay đổi tùy thuộc vào độ phát triển của kênh. Thời gian đầu khi mà chưa có nhiều kinh phí thì bạn có thể chọn podcast solo, sau này khi mà có nhiều công việc hơn thì bạn có thể chọn co-hosted podcast. Đến khi kênh của bạn đã có chút tiếng tăm thì bạn hoàn toàn có thể lựa chọn hình thức podcast phỏng vấn.
2.2. Đặt tên kênh
Đừng đánh giá thấp tầm quan trọng của cái tên. Tên kênh podcast của bạn là một trong những thứ đầu tiên mà người nghe nhìn thấy, thậm chí trước khi họ nghe bất kỳ tập podcast nào trong chương trình của bạn.
Nếu nhìn vào bảng xếp hạng Apple Podcasts hàng đầu, bạn sẽ thấy hàng trăm cái tên khác nhau, nhưng về cơ bản nó sẽ thuộc một trong 3 kiểu tên dưới đây:
- Tên sáng tạo
Bạn có thể nghĩ ra một cái tên thực sự sáng tạo cho chương trình của mình, tuy nhiên hãy nhớ rằng: Không có ích gì khi đưa ra một chương trình podcast với nội dung tuyệt vời nhưng không ai có thể tìm thấy nó trên các công cụ tìm kiếm. Nếu bạn quyết định đặt một cái tên sáng tạo thì hãy cố gắng kết hợp cả mô tả vào tiêu đề.
- Tên theo chủ đề
Đây là kiểu tên được nhiều người đặt nhất. Chỉ cần nhìn vào cái tên, người nghe đã biết ngay kênh này nói về chủ đề gì, và điều này thì rất có ích trong việc tìm kiếm.
- Sử dụng tên riêng
Trừ khi bạn đã có một lượng khán giả từ trước thông qua các nền tảng xã hội như Instagram, TikTok, Facebook,… Nếu không, bạn sẽ mất khá nhiều thời gian xây dựng kênh và cũng khó thu hút khán giả.
2.3. Đặt tiêu đề cho từng tập
Tiêu đề cho từng tập podcast cũng quan trọng chẳng kém gì tên kênh, bởi vì tiêu đề sẽ ảnh hưởng phần nào tới đề xuất của podcast đó trên các công cụ tìm kiếm.
Bạn biết không, sai lầm lớn nhất mà các podcaster thường gặp phải khi đặt tiêu đề là đặt những cái tên vô bổ và nhàm chán như “Tập 1”, “Tập 2”,…bởi vì người nghe sẽ chẳng biết được nội dung là gì để quyết định bấm nghe.
Hãy đảm bảo viết nội dung tiêu đề thật rõ ràng nhé. Nếu muốn đánh số tập, bạn có thể chèn thêm #1, #2,…vào trước tiêu đề.
2.4. Một tập Podcast nên kéo dài bao lâu?
Theo ý kiến của những người nghe podcast nhiều năm thì họ cho rằng một tập podcast ngắn sẽ có thời lượng dưới 15 phút, và một tập podcast dài sẽ có thời lượng trên 1 tiếng.
Thời lượng lý tưởng nhất cho một tập podcast là 20-45 phút.
Tuy nhiên nhiều người lại nói rằng: “Thế tại sao có những kênh chỉ có thời lượng 4 phút, hoặc những kênh phỏng vấn chuyên sâu có thời lượng lên đến 3 giờ đồng hồ vẫn thu hút rất nhiều người nghe?”.
Thật ra chẳng có một quy chuẩn nào về thời lượng podcast cả, vì vậy bạn đừng quá lo lắng về những con số này. Một tập podcast nên kéo dài bao lâu còn phụ thuộc vào 2 yếu tố: nội dung và khán giả của bạn.
Nếu như kiến thức mà bạn chia sẻ thực sự hữu ích và phải cần tới 50 phút mới chia sẻ xong, vậy tại sao phải cắt nó xuống còn 30 phút? Hoặc tương tự, nếu bạn đã nói tất cả những gì bạn phải nói trong 10 phút, tại sao tăng thời lượng podcast lên thành 30 phút?
Trong một số trường hợp, giả sử bạn thực hiện một cuộc phỏng vấn với một chuyên gia da liễu và cuộc trò chuyện đó kéo dài trong vòng 2 giờ. Bạn có thể cắt nó làm 2 phần và tạo hai tập.
Hãy theo dõi và đối chiếu số lượng người nghe qua từng tập, bạn sẽ biết được mình có cần thiết phải thay đổi thời lượng phát sóng hay không. Hoặc là bạn có thể khảo sát ý kiến người nghe của mình để thu thập dữ liệu và điều chỉnh cho phù hợp.
2.5. Bao lâu thì nên phát hành tập mới?
Không quan trọng nếu podcast của bạn phát hành một lần một tháng, một lần một tuần hay một lần một ngày. Miễn là bạn xuất bản đều đặn và có kế hoạch cụ thể.
Tất nhiên là bạn càng xuất bản thường xuyên thì người nghe của bạn sẽ càng có nhiều cơ hội tải xuống nhiều tập hơn, chia sẻ nhiều tập hơn. Từ đó sẽ có nhiều người nghe biết đến kênh của bạn hơn thông qua tìm kiếm. Nhưng điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ bận rộn hơn và dễ bị cạn kiệt ý tưởng.
Bạn có thể thay đổi tần suất phát hành của mình và xuất bản bất cứ khi nào bạn muốn, nhưng hãy cố gắng hết sức bám vào lịch trình ban đầu trong một thời gian vài tháng, trước khi thực hiện thay đổi. Nếu không, bạn có thể khiến khán giả của mình cảm thấy thất vọng.
Bước 3. Chuẩn bị
Hầu hết mọi người nghe podcast bằng tai nghe, do đó chất lượng âm thanh kém không chỉ gây mất tập trung mà còn gây khó chịu. Vì vậy, hãy chuẩn bị các thiết bị podcast tốt nhất trong khả năng của bạn để đảm bảo bản ghi đạt chất lượng tốt, bao gồm:
3.1. Chuẩn bị micro
Đầu tiên chúng ta bắt buộc phải có micro. Khi nói đến micro, có 3 loại chính. Đó là:
- Micro thu âm cổng USB
Đối với những người mới bắt đầu tiếp xúc với việc thu âm thì sử dụng micro cổng USB là dễ sử dụng nhất, bởi vì bạn chỉ cần cắm chúng vào cổng USB của máy tính, sau đó mở phần mềm ghi âm là bạn đã có thể bắt đầu ghi âm được rồi.
Ngoài ra, mic thu âm cổng USB còn có ưu điểm là giá cả phải chăng. Tuy nhiên nhược điểm lớn nhất của chúng là chất lượng âm thanh kém nhất so với 2 loại mic còn lại.
Các mic USB phổ biến bao gồm: Blue Yeti, JLab Talk, Blue Snowball iCE,…
- Micro điện động (Dynamic mics)
Mic điện động có khả năng loại bỏ rất tốt những tạp âm xung quanh, do đó loại mic này là sự lựa chọn tuyệt vời nếu như chương trình của bạn có hai người nói chuyện trở lên.
Chúng cũng khá bền và không cần nguồn điện bên ngoài nên thường được các phát thanh viên, nhạc sĩ và podcaster nổi tiếng sử dụng.
Tuy nhiên mic điện động có một nhược điểm là thiếu độ nhạy, điều này có nghĩa là bạn cần giữ miệng của mình gần micrô để đảm bảo chất lượng bản ghi âm tốt nhất.
Các loại mic điện dung phổ biến bao gồm: Shure SM7B, Electro-Voice RE-20, Heil PR 40,…
- Mic điện dung (Condenser mics)
Micro điện dung được biết đến với chất lượng và độ nhạy âm thanh tuyệt vời. Chúng yêu cầu nguồn điện ảo 48V hoặc sử dụng pin để hoạt động.
Các micro điện dung phổ biến bao gồm: Neumann U87 Rhodium Edition, Rode NT1, Audio-Technica AT5047,…
Link mua Micro Micro Rode NT1 KIT
3.2. Chuẩn bị thiết bị ghi âm khác để cải thiện chất lượng
Ngoài micrô, bạn vẫn cần thêm một số thiết bị khác để có thể nâng cao chất lượng bản ghi của bạn.
- Màng lọc âm (Pop filter)
Màng lọc âm có tác dụng loại bỏ tiếng ồn mà miệng bạn tạo ra khi nói gần micrô. Nó ngăn chặn âm thanh dạng plosives, đó là những âm thanh có phụ âm cần bật hơi mạnh như âm “p’ hoặc âm “b”.
- Giá đỡ micro để bàn
Thiết bị này giúp giữ micrô podcast của bạn luôn ở vị trí cố định. Chúng cũng cho phép bạn dễ dàng điều chỉnh độ cao và khoảng cách từ miệng đến micro khi đang di chuyển, vì vậy bạn có thể di chuyển xung quanh trong khi đang phát podcast hoặc đơn giản là để micrô khuất tầm nhìn khi bạn không ghi âm. Điều này sẽ rất hữu ích nếu bạn đang ghi âm tại nhà của mình.
- Tai nghe over-ear
Không giống như tai nghe nhét tai, tai nghe over-ear có thể loại bỏ tiếng ồn, do đó chất lượng âm thanh tốt hơn và dễ chịu hơn.
- Giá đỡ chống sốc (Shockmount)
Thiết bị này có tác dụng chống sốc và chống rung. Hầu hết các thương hiệu micrô đều sẽ cung cấp giá đỡ chống sốc tương thích của riêng họ, nhưng vẫn có một số giá đỡ chống sốc phổ biến, chẳng hạn như Rycote, cho phép bạn dễ dàng gắn các loại micrô có hình dạng và kích thước khác nhau một cách dễ dàng.
- Đầu nối XLR
Nếu bạn đang chọn sử dụng micro USB thì đầu nối XLR không phải là thứ bạn cần chuẩn bị. Bạn chỉ cần cắm trực tiếp micro vào cổng USB trên máy tính và chọn micrô làm đầu vào âm thanh trong cài đặt chương trình ghi âm của bạn là xong.
Nhưng nếu bạn đang sử dụng micro điện động hoặc micro điện dung thì bạn cần chuẩn bị thêm đầu nối XLR.
Đối với kiểu thiết bị này, bạn có 3 tùy chọn:
- Giao diện âm thanh giống như dòng Focusrite Scarlett. Giao diện là một phần cứng giúp mở rộng và cải thiện khả năng âm thanh của máy tính, mang đến cho bạn khả năng kết nối với micro chuyên nghiệp. Chúng hoạt động như một thiết bị trung gian, cho phép âm thanh đi vào và đi ra khỏi máy tính của bạn.
- Kết nối micro XLR của bạn với thiết bị ghi âm thanh bên ngoài. Điều này có nghĩa là bạn có thể ghi âm độc lập với máy tính của mình và có thể lưu trữ một tập podcast ở bất kỳ đâu. Máy ghi âm bên ngoài sẽ lưu âm thanh của bạn vào thẻ SD mà bạn có thể tải lên máy tính của mình sau này khi bắt đầu chỉnh sửa.
- Máy podcast. Các công ty như Rode đã tạo ra máy podcast độc lập cho phép bạn ghi âm, xử lý hiệu ứng và một bảng điều khiển trực quan để kiểm soát tất cả. Do vậy những thứ này thường có mức giá đắt hơn nhiều.
Như vậy, tổng kết lại, thiết bị có chi phí rẻ nhất là micro cổng USB, nhưng đổi lại chất lượng âm thanh sẽ không tốt bằng những thiết bị còn lại.
3.3. Chỉ với một chiếc iPhone, tôi có thể làm podcast được không?
Câu trả lời ngắn gọn là “Có”. Vì iPhone đã có sẵn micro nên chúng có mọi thứ bạn cần để ghi âm. Tuy nhiên, chất lượng âm thanh có thể không rõ ràng hoặc ổn định như bạn mong muốn.
Chúng tôi sẽ gợi ý một số ứng dụng mà bạn có thể tải xuống chiếc iPhone của mình để biến nó trở thành một máy ghi âm podcast. Chẳng hạn như Podbean, Anchor, Spreaker và iRig Recorder.
3.4. Chuẩn bị phần mềm ghi âm
Bây giờ chúng ta đã chuẩn bị hết các thiết bị phần cứng, chỉ cần chuẩn bị thêm phần mềm để ghi và chỉnh sửa âm thanh nữa là hoàn thiện.
Các phần mềm ghi âm sẽ cho phép bạn ghi lại âm thanh từ micro của mình và lưu dưới dạng tệp MP3. Sau đây chúng tôi sẽ giới thiệu 3 phần mềm phổ biến giúp bạn chỉnh sửa âm thanh, thậm chí ghi âm ngay trên phần mềm đó.
- Audacity (PC/Mac miễn phí)
Đối với các podcaster mới bắt đầu thì Audacity chắc chắn là một sự lựa chọn không thể tuyệt vời hơn. Phần mềm này không chỉ miễn phí mà còn dễ sử dụng và có thể đáp ứng những thao tác chỉnh sửa cơ bản nhất đối với một podcast. Chẳng hạn như tăng giảm âm lượng, loại bỏ tạp âm, cắt ghép âm thanh,…
Chưa hết, phần mềm này có hỗ trợ tiếng Việt cho những ai không thông thạo các thuật ngữ edit.
- Adobe Audition (PC/Mac; 20,99$/tháng)
Nói đến phần mềm chỉnh sửa âm thanh chuyên nghiệp thì không thể không kể đến Adobe Audition.
So với Audacity thì phần mềm nhà Adobe có giao diện phức tạp hơn và nhiều tính năng cao cấp hơn. Ngoài ra, phần mềm này còn hỗ trợ xuất file dưới nhiều dạng hơn như MP3, AIF, AC3, WAV, AAC, CAF, HE-AAC, PCM, FLAG, OGG,…Đó là lý do vì sao người dùng lại phải trả phí gần 21$ mỗi tháng để sử dụng Adobe Audition.
- GarageBand (Mac; miễn phí)
GarageBand chỉ đi kèm với các loại MacBook và phù hợp với hầu hết các nhu cầu chỉnh sửa âm thanh của bạn. GarageBand còn cho phép bạn ghi lại âm thanh từ micro podcast của mình và lưu dưới dạng MP3.
Ngoài ra còn một số phần mềm khác như FL Studio, Audio Editor Pro, MP3 Music Editor,…Tuy nhiên hai phần mềm tương thích với mọi loại máy và phổ biến nhất vẫn là Audacity và Adobe Audition.
- Phần mềm ghi âm cuộc gọi
Nếu bạn định thực hiện các cuộc phỏng vấn cho podcast của mình, bạn có thể sẽ phải sử dụng tới các phần mềm ghi lại cuộc gọi của mình.
Tuy nhiên nếu bạn đang sử dụng mixer (bộ trộn âm thanh) để ghi lại tất cả âm thanh từ máy tính của mình thì phần mềm này sẽ không bắt buộc.
Còn nếu bạn đang sử dụng bộ thiết lập cơ bản, kết hợp với một trong các công cụ như Skype, Google Hangouts, FaceTime, Viber, Facebook, GoToMeeting hoặc WebEx để thực hiện các cuộc phỏng vấn, thì đây là một số công cụ ghi âm cuộc gọi được đề xuất:
- Zencastr (PC / Mac; khởi động miễn phí);
- Ecamm Call Recorder (Mac; $ 39,95);
- Dialpad Meetings (PC/Mac/iOS/Android; bắt đầu miễn phí);
- Callnote (PC / Mac; miễn phí tới 9,95$ mỗi năm).
3.5. Chuẩn bị nội dung
Đây là bước cực kỳ quan trọng, nhất là đối với hình thức co-hosted podcast và podcast phỏng vấn. Tất nhiên là nội dung đã được chuẩn bị từ nhiều ngày trước khi thu âm chính thức, nhưng hãy tập dượt lại một lần để lúc lên sóng không bị vấp váp hoặc nói lan ma, dài dòng nhé.
Bước 4. Thu âm
Okay, sau khi bạn đã hoàn thành công việc cơ bản và lên kế hoạch cho chương trình của mình, đã đến lúc bắt tay vào ghi việc ghi hình cho tập đầu tiên.
Đầu tiên, bạn cần tập nói chuyện với micro trước đã. Bạn đầu bạn sẽ cảm thấy hơi ngớ ngẩn vì mình đang phải nói chuyện một mình, nhưng dần dần qua một vài số tiếp theo thì bạn sẽ quen hơn với việc ngồi thu âm trước micro thôi.
Khán giả quyết định gắn bó với kênh của bạn hay không là phụ thuộc vào sự gần gũi mà bạn tạo ra qua giọng nói. Vì vậy nếu như họ phát hiện ra như thể bạn đang đọc thuộc bài thì họ sẽ rời đi ngay.
Hãy hít một hơi thật sâu, sau đó thả lỏng cơ thể để cách diễn đạt của bạn trở nên tự nhiên nhất có thể nhé.
Hạn chế tối đa việc chêm vào những từ cảm thán như “Oh my god”, “Ôi mẹ ơi”,…hoặc là “à”, “ừm”, “ờ thì”,…Tất cả những điều đó sẽ khiến bạn kém chuyên nghiệp.
Bước 5. Chỉnh sửa
Sau khi thu âm, bản ghi của bạn mới chỉ hoàn thành được 60% mà thôi. Bạn cần vài giờ đồng hồ tiếp theo ngồi chỉnh sửa để hoàn thành nốt 40% còn lại.
Các thao tác chỉnh sửa bao gồm:
- Chọn nhạc: Vấn đề lớn nhất là bản quyền, nếu không sẽ bị “ăn gậy”. Vì vậy, trước khi ghép nhạc, bạn phải xin phép tác giả hoặc mua bản quyền;
- Thêm intro và outro: Độ dài tốt nhất cho mỗi phần là khoảng 20-30 giây;
- Tăng giảm âm lượng: Đừng tăng mức âm lượng lên mức cao quá, nếu bạn không muốn âm thanh bị méo tiếng;
- Thiết kế ảnh đại diện: Lưu ý, kích thước ảnh đại diện đối với kênh podcast phải nằm trong khoảng 1400×1400 pixel đến 3000×3000 pixel và lưu ở định dạng .jpg hoặc .png. Hãy tuân thủ những thông số này để tránh những rắc rối về sau nhé;
- Khử tiếng ồn;
- Cân bằng âm thanh.
Bước 6. Đăng ký Podcast hosting
Đến bước này, sản phẩm đầu tay của bạn coi như đã được hoàn tất. Nếu như bạn đã có một trang web cho doanh nghiệp hoặc thương hiệu của mình thì bạn không cần thực hiện bước này, hãy chuyển ngay đến bước cuối cùng là xuất bản podcast trên chính trang web của mình.
Còn nếu bạn chưa có trang web thì sao? Bạn sẽ cần đăng ký podcast hosting để có một nơi lưu trữ những tệp âm thanh của mình.
Buzzsprout, Podbean, Castos, Anchor, Captivate, Transistor,…là những nơi đăng ký podcast hosting mà bạn có thể lựa chọn. Tuy nhiên phổ biến hơn cả vẫn là Buzzsprout và Anchor.
Hầu hết các podcaster trong và ngoài nước đều sử dụng một trong hai dịch vụ này để lưu trữ podcast, đặc biệt là Buzzsprout bởi vì chúng dễ sử dụng.
Buzz Sprout cho phép người dùng được sử dụng hosting miễn phí trong 3 tháng đầu tiên, mỗi tháng chỉ được đăng tối đa 2h âm thanh. Kết thúc 3 tháng, bạn phải trả phí thì mới được sử dụng tiếp dịch vụ này.
Các bước đăng ký podcast hosting của Buzzsprout như sau:
- Bước 1: Truy cập: https://www.buzzsprout.com/
- Bước 2: Nhấn vào “Check out Buzzsprout”;
- Bước 3: Bấm vào ô “Get Started Free” ở góc trên bên phải màn hình;
- Bước 4: Điền thông tin. Sau đó tích vào ô “Tôi không phải người máy” rồi bấm “Create My Podcast”;
- Bước 5: Tạo mật khẩu. Lưu ý, mật khẩu phải có tối thiểu 8 ký tự, chứa cả chữ, số và ký tự đặc biệt. Sau đó bấm “Create Password”;
- Bước 6: Chọn nút “I’m a new Podcaster” nếu bạn lần đầu tiên tạo podcast. Còn nếu bạn đã có kênh podcast nhưng lại lưu trữ ở dịch vụ khác, bây giờ muốn chuyển sang dùng dịch vụ của Buzz Sprout thì chọn nút “I’m Already Have a Podcast”;
- Bước 7: Điền tên kênh (tại mục Podcast Title) và mô tả về kênh (tại mục Podcast Description). Sau đó bấm “Done. Let’s start podcasting”;
- Bước 8: Nhấn vào “Verify your email address” để hoàn tất bước xác minh tài khoản.
Như vậy là bạn đã tạo kênh Podcast xong rồi đấy.
Bước 7. Cài đặt Podcast
Sau khi tạo kênh trên nền tảng Buzzsprout, bạn cần thực hiện thêm 2 bước sau để cài đặt kênh trước khi xuất bản podcast.
Đầu tiên, tại tab “Podcast Info”, hãy điền đầy đủ tất cả thông tin mà Buzzsprout yêu cầu. Bao gồm:
- Podcast Title (tên kênh);
- Podcast Description (mô tả về kênh);
- Podcast Artwork (ảnh đại diện);
- Apple Podcast Category (danh mục kênh);
- Language (chọn Vietnamese);
- Time Zone (chọn GMT+7:00 Hanoi);
- Artist (tên chủ kênh);
- Contact Email (email liên hệ);
Sau đó tích vào ô “This podcast contains explicit material”.
Chưa xong, vẫn tại tab “Podcast Info”, bạn chuyển sang mục “Advanced” và điền nốt các thông tin dưới đây:
- Podcast Type;
- Your Website Address (nếu có);
- Episode Limit (số lượng tập mà bạn muốn hiển thị ở trang chủ);
- Keyword;
- Is that podcast about a specific location: chọn No;
- Copyright (tên kênh);
- Tích chọn ô “Do not allow other podcast hosts to import my podcast”.
Cuối cùng chọn “Save Podcast Info”.
Bước 8. Xuất bản Podcast
Bây giờ chúng ta cùng đi đến bước cuối cùng là xuất bản tập podcast đầu tiên lên kênh thôi nào!
Tại tab “Episodes”, nhấn chọn “Upload a New Episode” (ô màu xanh lá cây). Sau đó điền tiếp những thông tin dưới đây:
- Episode Title (tiêu đề tập podcast);
- Episode Description (mô tả cho từng tập);
- Episode Artwork (ảnh đại diện);
- Season # (điền số mùa nếu chương trình được sản xuất theo mùa);
- Episode # (nhập số thứ tự của tập);
- Episode Type (Full hoặc Trailer hoặc Bonus);
- Artist / Guess (tên chủ kênh, người đồng dẫn chương trình hoặc tên khách mời);
- Custom Episode Webpage (địa chỉ bài viết có nội dung tương tự như nội dung podcast);
- Tags (từ khóa liên quan).
Sau khi điền hết thông tin trên, hãy nhìn sang bên phải màn hình, bạn sẽ thấy 3 lựa chọn sau:
- Leave Unpublished: Lưu bản nháp nhưng chưa xuất bản;
- Publish Immediately: Xuất bản ngay sau khi hoàn tất;
- Schedule for Future: Hẹn ngày giờ xuất bản.
Chọn 1 trong 3 lựa chọn này và ấn vào “Save Episode Details” là xong.
Podcast là một nền tảng nội dung phổ biến, bởi vì mọi người có thể nghe podcast tại bất cứ nơi nào và bất cứ thời gian nào, ngay cả khi đang đi bộ, đang ngồi xe bus hay đang làm việc nhà,….Vì vậy, nếu bạn đã có đầy đủ ý tưởng để xây dựng một kênh podcast cá nhân, hãy bắt tay vào làm ngay và đừng trì hoãn nó nữa. Cách tạo kênh podcast mà chúng tôi vừa hướng dẫn trên đây hoàn toàn không khó, đúng không nào? Chúc kênh podcast của các bạn sẽ ngày càng phát triển.