Bạn có bao giờ tự hỏi: Vì sao bài viết của mình mãi không thể tăng thứ hạng trên công cụ tìm kiếm? Bỏ qua các yếu tố về Offpage, lý do có thể là bởi bạn chưa biết những bí kíp tối ưu hóa thẻ heading mà chúng tôi sẽ chia sẻ dưới đây. Nhưng trước tiên hãy tìm hiểu: Heading là gì và vai trò của thẻ Heading trong SEO, sau đó chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn cách đặt và tối ưu thẻ heading tốt nhất cho SEO.
Heading là gì?
Thẻ Heading là xếp hạng thứ tự ưu tiên của các chuyên mục trong cấu trúc nội dung bài viết. Có 6 cấp độ thẻ heading, được ký hiệu lần lượt là H1, H2, H3, H4, H5, H6. Trong mã nguồn, các heading được đặt trong dấu ngoặc nhọn, kiểu như <h1>, <h2>,…
Mức độ ưu tiên và khái quát nội dung của các thẻ heading giảm dần từ H1 đến H6. Các heading sau có tác dụng làm rõ thông tin được nêu ở heading trước. Thông thường một bài viết chuẩn SEO chỉ cần 3 thẻ H1, H2, H3 là đủ. Tất nhiên là càng nhiều thẻ heading thì nội dung bài viết sẽ càng chi tiết hơn.
Tìm hiểu: Thẻ HTML là gì?
Vai trò của thẻ Heading trong SEO Website
Nhìn thì có vẻ đơn giản nhưng các thẻ heading lại giữ 4 vai trò chính trong SEO website. Đó là:
1. Heading giúp Google hiểu nội dung nhanh chóng
Google có một thuật toán để phân tích văn bản, hình ảnh và các yếu tố khác mà nó tìm thấy bằng cách quét HTML của các thẻ tiêu đề. Google sử dụng nội dung của heading để hiểu nội dung của trang đó, sau đó mới cung cấp kết quả truy vấn có liên quan đến từ khóa mà người dùng tìm kiếm.
2. Heading giúp người đọc nắm được ý chính dễ dàng
Trước khi quyết định có nên đọc một thứ gì đó hay không, mọi người có xu hướng đọc lướt một đoạn văn bản. Họ muốn biết nội dung của văn bản trước khi bắt đầu đọc toàn bộ.
Về mặt trực quan, các thẻ heading chính là mục lục nội dung chính của bài viết. Người đọc chỉ cần nhìn lướt nhanh qua nội dung heading là có thể hiểu được ý chính của bài viết nói về những vấn đề nào.
3. Heading giúp cấu trúc của bài viết rõ ràng hơn
Như đã nói ở phần trên, heading chính là mục lục của bài viết. Việc tối ưu các thẻ heading sẽ giúp cho trang web thân thiện với người dùng vì dễ đọc và dễ tìm kiếm nội dung. Đôi khi người dùng chỉ có nhu cầu xem một phần nhỏ chứ không muốn xem toàn bộ nội dung bài viết, nếu không có các mục heading rõ ràng thì tỷ lệ thoát page là rất cao.
4. Heading là yếu tố tăng sức mạnh SEO
Nếu người dùng không thể nhanh chóng tìm thấy những gì họ đang tìm kiếm, họ có thể sẽ rời khỏi trang web của bạn và tìm đến trang web khác. Đây là lý do tại sao việc sử dụng tiêu đề và nội dung các heading cũng ảnh hưởng đến SEO.
Các công cụ tìm kiếm như Google sẽ ghi lại số lượng người dùng thoát khỏi trang web quá nhanh bằng cách đo lường thời gian on-page. Khi website có tỷ lệ thoát cao, công cụ tìm kiếm có thể kết luận rằng trang web của bạn không hữu ích với người dùng. Do đó, bài viết phải nhận thứ hạng thấp hơn.
Có thể bạn quan tâm: Canonical URL là gì?
Cách đặt và tối ưu thẻ heading tốt nhất cho SEO
Đặt heading là một trong các tiêu chí quan trọng để SEO On-page thành công. Cấu trúc thẻ heading trong WordPress có tối đa 6 cấp độ bao gồm:
Heading 1: Tiêu đề bài viết (quan trọng nhất)
Thẻ Heading 1 (hay còn gọi tiêu đề bài viết) sẽ được hiển thị trên trang kết quả của công cụ tìm kiếm.
Tiêu đề phải chứa từ khóa chính (keyword) thì công cụ tìm kiếm mới có thể hiểu được nội dung bài viết. Vì vậy trước khi bắt đầu với việc tối ưu hóa thẻ H1, điều quan trọng là các SEOer phải thực hiện nghiên cứu và phân tích từ khóa. Sau đó, tối ưu thẻ Heading 1 như sau:
- Mỗi trang web chỉ nên có một thẻ Heading 1 duy nhất.
- Độ dài lý tưởng của thẻ Heading 1 là khoảng 65-70 ký tự; vì Google chỉ hiển thị thẻ tiêu đề trong kết quả tìm kiếm tối đa 70 ký tự bao gồm cả dấu cách.
- Hạn chế sử dụng dấu phẩy (,), dấu gạch ngang (|), dấu gạch ngang (/) hoặc dấu gạch ngang (-) làm dấu phân tách từ khóa trong thẻ H1.
Tìm hiểu: Title (tiêu đề bài viết) là gì?
Heading 2: Quan trọng thứ 2 (bắt buộc)
Thẻ Heading 2 sẽ trình bày các phần chính trong nội dung bài viết của bạn.
Khác với thẻ H1, thẻ H2 lại không bị giới hạn số lượng heading. Bạn có thể chia thành nhiều Heading 2 tùy theo độ dài của bài. Tuy nhiên chúng tôi khuyên bạn với một bài viết tiêu chuẩn từ 1000-2000 từ thì nên viết trong khoảng 2-4 thẻ Heading 2 là đủ.
Một điều quan trọng để tối ưu thẻ H2 là tránh lạm dụng từ khóa chính. Nghĩa là bạn nên sử dụng từ đồng nghĩa, từ khóa liên quan, từ khóa LSI.
Heading 3: Quan trọng thứ 3 (bắt buộc)
Tiếp theo là các thẻ Heading 3. Chúng được sử dụng để giải thích hoặc trình bày nội dung sâu hơn, bổ nghĩa cho thẻ Heading 2.
Tương tự như thẻ H2 thì số lượng thẻ H3 trong bài viết là không giới hạn. Người viết càng chia nhỏ thành nhiều H3 thì nội dung càng chi tiết.
Heading 4: Quan trọng thứ 4 (ít sử dụng)
Thẻ Heading 4 là các danh mục con khác của các tiêu đề H3. Thông thường người viết rất ít khi sử dụng thẻ Heading 4 trừ khi chủ đề nói đến trong bài quá phức tạp với lượng thông tin lớn.
Heading 5: Quan trọng thứ 5 (gần như không sử dụng)
Trong yêu cầu bố cục bài viết chuẩn SEO thì không bắt buộc người viết phải có thẻ Heading 5 nên gần như thẻ H5 không được sử dụng.
Heading 6: Quan trọng thứ 6 (gần như không sử dụng)
Thẻ Heading 6 là cấp độ tiêu đề nhỏ nhất và cũng gần như không được sử dụng trong các bài viết. Kể cả những bài viết dài đến 5000 từ cũng hiếm khi xuất hiện thẻ H6.
Cấu trúc thứ tự đặt Heading chuẩn nhất
Đầu tiên chính là thẻ Heading 1 và cũng chính là tiêu đề của bài viết. Thông thường thẻ H1 sẽ được trình bày với cỡ chữ lớn nhất. Còn đối với các trang web bán hàng thì H1 chính là tên sản phẩm.
Phần nội dung bên trong sẽ được trình bày chi tiết theo thứ tự ưu tiên từ H2 rồi mới đến H3, có thể sử dụng thêm H4 – H6 nếu cần. Không đặt thứ tự heading lộn xộn kiểu như H3 nằm giữa H4 và H5.
Trong định dạng thẻ heading của WordPress, cỡ chữ của thẻ H1 auto là lớn nhất, sau đó tự động nhỏ dần từ H2 đến H6. Nhưng bạn có thể định dạng thêm phông chữ và màu chữ cho các heading để dễ dàng phân biệt. Chẳng hạn như H2 có màu xanh, H3 có màu đen in đậm,…
Để hiểu rõ hơn về cấu trúc thứ tự đặt heading, chúng ta cùng tham khảo outline mẫu sau đây:
H1 (Title): Tìm hiểu về 6 loại vải len thông dụng cho mùa đông 2021
- H2: Vải len là gì?
- H2: Đặc điểm của vải len
- H3: Khả năng cách nhiệt
- H3: Bền bỉ với thời gian
- H3: Chống bám bụi
- H3: Dễ hút ẩm
- H2: 6+ loại vải len thông dụng
- H3: Vải len lông cừu nguyên chất
- H3: Vải len dê Cashmere
- H3: Vải len thỏ Angora
- H3: Vải len lạc đà
- H3: Vải len cotton
- H3: Vải len từ sợi tổng hợp
Nhìn vào ví dụ trên, chúng ta có thể thấy từ khóa chính được đề cập ở đây là “vải len”. Chỉ cần nhìn vào mục lục trên thì người đọc có thể dễ dàng nắm bắt được cấu trúc bài viết và các ý chính được nêu trong bài.
Cách kiểm tra thẻ heading trên website đơn giản
Công cụ tìm kiếm như Google sẽ sử dụng Googlebot để kiểm tra nội dung thẻ heading trong các bài viết. Vậy người dùng thông thường có thể kiểm tra thẻ heading trên một website bất kỳ được hay không? Câu trả lời là “Có”, chúng ta có thể kiểm tra miễn phí bằng 2 công cụ gồm:
1. Sử dụng tiện ích Web Developer
Web Developer là một trong số các tiện ích (extension) của Chrome nhưng bạn có thể tải về bằng Google Chrome hoặc Firefox đều được. Bạn chỉ cần search cụm từ ‘Download Web Developer” và làm theo các hướng dẫn là có thể tiến hành cài đặt ứng dụng này vào trình duyệt của mình.
Sau khi đã tải xong xuôi, bạn vào một trang web bất kỳ và click vào biểu tượng của Web Developer ở góc trên bên phải màn hình.
Cách 1: Chọn Outline >> Outline Heading
Tiện ích sẽ phân loại các thẻ heading trong dấu ngoặc kép và đóng khung lại.
Lấy ví dụ như trong bài viết “Tìm hiểu về 6 loại vải len thông dụng cho mùa đông 2021” phía trên. Khi chọn Outline Heading thì kết quả sẽ hiển thị dưới dạng: <h1> Tìm hiểu về 6 loại vải len thông dụng cho mùa đông 2021, <h2> Vải len là gì? ,… theo thứ tự từ trên xuống dưới.
Cách 2: Chọn Information >> View Document Outline
Đây là một mẹo kiểm tra thẻ heading trên website mà ít người dùng biết đến. Mọi người chủ yếu dùng cách đầu tiên, nhưng dùng cách này chúng ta phải lướt xem toàn bộ bài viết thì mới biết đâu là thẻ H1, H2, H3,…
Riêng với cách này, tiện ích sẽ tổng hợp toàn bộ các thẻ heading dưới dạng outline, giống y hệt như ở ví dụ phía trên. Người dùng chỉ cần tốn chưa đầy 3 giây là có thể check được hết nội dung heading.
2. Sử dụng SeoQuake
Tương tự như Web Developer thì SeoQuake cũng là một trong các tiện ích miễn phí của Chrome. Đầu tiên bạn cũng cần tải ứng dụng này về trình duyệt web của mình bằng cách search “Download SeoQuake”. Sau khi đã tải về trình duyệt, bạn mở một trang web bất kỳ và ấn vào biểu tượng của SeoQuake ở phía trên bên phải màn hình.
Tiếp theo, bạn click vào mục “Diagnosis” (mục số 2). Lúc này màn hình sẽ hiện ra một loạt các chỉ số SEO website, bạn chỉ cần lướt xuống dưới một chút và chọn mục “Headings” >> “View others”. Thế là bạn có thể nhìn thấy toàn bộ outline của bài viết rồi đấy.
Bây giờ bạn đã biết thẻ heading là gì, làm thế nào để tối ưu hóa thẻ heading giúp bài viết tăng hạng tìm kiếm rồi chứ? Chúc bạn áp dụng thật tốt những mẹo nhỏ này để có thể nâng cao chất lượng content của mình, nếu có thắc mắc gì đừng ngại để lại bình luận dưới bài viết này nhé.
Có thể bạn quan tâm: Quy trình SEO cơ bản