Mỗi ngày trôi qua, các trang mạng xã hội chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng về số lượng của các Influencer trên toàn thế giới. Khi các thương hiệu đang tận dụng hình thức Influencer marketing để tiếp cận khách hàng mục tiêu của họ thì việc trở thành một Influencer sẽ mang lại cho bạn sức ảnh hưởng lớn cùng mức thu nhập hấp dẫn. Vậy Influencer là gì? Cách để trở thành Influencer chuyên nghiệp ra sao? Lagital sẽ bật mí cho bạn trong nội dung dưới đây:
Influencer là gì?
Influencer là một cá nhân hoặc một nhóm người có khả năng ảnh hưởng đến hành vi hoặc ý kiến của người khác.
Mỗi hành động và lời nói của họ đều có một mức độ ảnh hưởng nhất định đến một nhóm người. Không chỉ doanh nhân, ca sĩ, blogger mới được coi là influencer mà bất kỳ người dùng mạng xã hội nào cũng có cơ hội trở thành influencer.
Chẳng hạn khi bạn ngẫu hứng đăng một video clip cover một bài hát nào đó trên Facebook, TikTok và được mọi người đón nhận. Bỗng chốc bạn có hàng nghìn người theo dõi chỉ sau một đêm, khi đó bạn đã chính thức trở thành một influencer chính hiệu.
Và các nền tảng truyền thông xã hội như Instagram, Facebook, Twitter, Pinterest,… với lượng người theo dõi (follow) hoặc số lượt đăng ký (subscribers) khổng lồ chính là nơi giúp các Influencer tỏa sáng và được biết đến nhiều hơn.
Phân loại Influencer
Để phân loại Influencer, chúng ta sẽ dựa vào các tiêu chí sau:
1. Dựa theo số lượng follower
Dựa trên quy mô người theo dõi trên các nền tảng truyền thông xã hội, influencer được chia thành 5 cấp độ, bao gồm:
- Nano Influencers (từ 1,000 đến 10,000 lượt theo dõi): Đây là cấp thấp nhất của người ảnh hưởng. Tuy nhiên, khi được sử dụng một cách khéo léo, nano influencers có thể mang lại mức độ tương tác cao và tăng tỷ lệ chuyển đổi bởi vì nội dung của họ chân thật, gần gũi với những người theo dõi hơn là một người nổi tiếng;
- Micro Influencers (từ 10,000 đến 50,000 lượt theo dõi): Để đạt được cấp độ này, người dùng phải chứng minh được khả năng phát triển thương hiệu của mình thông qua lượt tương tác;
- Mid-tier Influencers (từ 50,000 đến 500,000 lượt theo dõi): Các thương hiệu từng hợp tác với mid-tier influencers đã nhận thấy rằng nội dung được tài trợ thường đạt được số lượng lượt thích cao nhất do mức độ liên quan của nội dung mà người này tạo ra;
- Macro Influencers (từ 500,000 đến 1 triệu lượt theo dõi): Đây là đối tượng có khả năng tạo ra xu hướng nên khả năng thay đổi nhận thức của họ luôn nằm ở mức cao. Việc hợp tác với macro influencers thường là bước đệm quan trọng cho các thương hiệu trong việc tối đa hóa khả năng tiếp cận khách hàng mục tiêu;
- Mega Influencers (trên 1 triệu lượt theo dõi): Đây là cấp độ cao nhất của người ảnh hưởng với số lượng follow khủng. Mega influencers thường là các diễn viên, vận động viên, người mẫu, ca sĩ, nhạc sĩ hoặc những người nổi tiếng trong xã hội. Họ có mối quan hệ hợp tác với các nhãn hàng với danh xưng gương mặt đại diện hoặc đại sứ thương hiệu.
2. Dựa theo nền tảng hoạt động
Trong số hàng chục nền tảng truyền thông xã hội, người ta chia influencer thành 3 cấp độ chính, đó là:
- Blogger: Công việc của họ là sáng tạo nội dung bằng cách chia sẻ kiến thức hoặc câu chuyện của mình và đăng tải lên WordPress;
- Youtuber: Nội dung đăng tải lên Youtube là dạng video. Khi quá nhiều nội dung tràn lan trên Youtube, để có sự khác biệt, bạn phải đầu tư nhiều về mặt hình ảnh, âm thanh lẫn nội dung thì mới thu hút nhiều lượt xem và subscriber;
- Mạng xã hội: Đây là nền tảng tạo ra lượng influencer cao nhất với tốc độ nhanh nhất bởi khả năng lan truyền chóng mặt và không giới hạn về dạng nội dung (bài viết, livestream, video,…).
3. Dựa theo mức độ ảnh hưởng
Influencer có thể thuộc 1 trong 3 cấp độ, bao gồm:
- Người nổi tiếng (Celebrities): Đây là cấp độ cao nhất với độ nhận diện cao, khả năng tương tác khủng. Tuy nhiên đồng nghĩa với điều đó là thương hiệu phải bỏ ra chi phí khổng lồ để có cơ hội hợp tác với các celeb. Thông thường chỉ có thương hiệu lớn hoặc thương hiệu mới thành lập thì mới lựa chọn người nổi tiếng để marketing;
- Professional influencers: Những người này có kiến thức chuyên môn cao và có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lĩnh vực mà họ đang hoạt động;
- Citizen influencer: Bất kỳ ai cũng có thể trở thành citizen influencer nếu như có trên 5,000 người theo dõi trên mỗi nền tảng xã hội.
Phân biệt Influencer và KOL
Ngoài việc hợp tác với influencers để quảng bá sản phẩm/dịch vụ trên các trang mạng xã hội, còn có một hình thức marketing tương tự khác, đó chính là KOL.
Điều quan trọng ở đây là bạn phải xác định hai khái niệm này khác nhau ở điểm nào và thường được sử dụng trong những trường hợp nào:
1. Khác biệt về trình độ
Để hiểu rõ sự khác biệt này, chúng ta cùng nhau phân tích ví dụ thực tế sau: Hãng mỹ phẩm nội địa Lemonade quyết định hợp tác với nam ca sĩ Quân AP để quảng cáo cho dòng son kem Lemonade Supernatural của họ.
Đây chính là một hình thức phổ biến của Influencer marketing nhưng nó không phải là KOL marketing bởi vì Quân AP không có kiến thức chuyên môn và hiểu biết nhiều về mỹ phẩm.
Cũng vẫn là thương hiệu này nhưng trong một lần khác, họ quyết định hợp tác với beauty blogger nổi tiếng Võ Hà Linh với 1,07 triệu người đăng ký để quảng bá cho dòng son Lemonade Want It Got It. Trường hợp này lại được coi là chiến lược KOL Marketing của Lemonade. Tiếng nói và quan điểm của KOL này có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến hành vi mua hàng của những chị em yêu thích làm đẹp.
Như vậy tổng kết lại, KOL là người có trình độ chuyên môn cao trong một lĩnh vực cụ thể, còn influencer thì không nhất thiết phải có.
2. Khác biệt về độ phủ sóng
Influencer hoạt động chủ yếu trên các nền tảng truyền thông xã hội, vì đó chính là nơi khai sinh ra khái niệm influencer trong tiếp thị. Nguồn thu nhập của họ chủ yếu đến từ việc hợp tác với các nhãn hàng để quảng bá sản phẩm, dịch vụ.
Trong khi đó KOLs lại có các nghề song song ngoài thực tế, chẳng hạn như bác sĩ, doanh nhân, nhà báo hoặc chính trị gia,… Tất nhiên, một KOL có thể có một kênh riêng trên mạng xã hội hoặc trang blog, kênh Youtube nhưng không phải ai cũng coi những thứ này trở thành phương tiện giao tiếp chính và họ cũng không nhất thiết phải đăng bài thường xuyên.
3. Khác biệt về số lượng người theo dõi
Như đã chia sẻ ở phần phân loại influencer theo số lượng follower, chỉ cần tối thiểu 1,000 người theo dõi thì bạn đã trở thành influencer. Trong khi đó, KOL tương đương với cấp độ Macro influencers hoặc Mega influencer, tức là phải có tối thiểu 500,000 người theo dõi.
Tìm hiểu chi tiết: KOL là gì?
Cách trở thành Influencer chuyên nghiệp
Ngoại trừ trường hợp nổi tiếng chỉ sau một đêm, tất cả những ai muốn trở thành một influencer chuyên nghiệp sẽ phải bỏ rất nhiều thời gian và công sức. Vì vậy, hãy bắt đầu hành trình trở thành một người có ảnh hưởng với 7 bước sau đây:
Bước 1: Chọn thị trường ngách
Thị trường ngách không có nghĩa là một thị trường nhỏ, mà nó liên quan chặt chẽ đến đối tượng mục tiêu của bạn. Nội dung của bạn dành cho ai? Giá trị mà họ nhận được từ nó là gì? Những mong muốn, thách thức, mục tiêu, nỗi sợ hãi và hy vọng của họ là gì?
Trước khi xác định được thị trường ngách, bạn phải chọn ra một lĩnh vực mà bạn am hiểu nhất và đó cũng chính là sở thích thực sự của bạn. Dưới đây là một vài lĩnh vực mà bạn có thể tham khảo:
- Du lịch;
- Làm đẹp;
- Thời trang;
- Sức khỏe và thể hình;
- Phong cách sống (Lifestyle);
- Nuôi dạy con cái;
- Kinh doanh;
- Âm nhạc;
- Nhiếp ảnh;
- Ẩm thực;
- Động vật,…
Ví dụ: Đối với lĩnh vực làm đẹp thì có một số thị trường ngách thích hợp như các giải pháp chống lão hóa, giải pháp điều trị da dầu mụn, trang điểm, vẽ móng,…
Quan trọng nhất khi bạn quyết định chọn một thị trường ngách cụ thể là bạn phải kiên trì theo đuổi nó. Đó là lý do tại sao bạn chỉ nên chọn một hoặc hai lĩnh vực mà bạn giỏi nhất và bắt đầu từ đó.
Bước 2: Lựa chọn nền tảng truyền thông xã hội
Ngày càng có nhiều kênh truyền thông xã hội dành cho influencers mới. Để trở thành một influencer thành công, bạn sẽ cần chọn một hoặc một vài kênh phù hợp với thị trường ngách và đối tượng khán giả của mình.
- Tại thị trường Việt Nam, Facebook chính là trang mạng xã hội dẫn đầu về số lượng người dùng nên phù hợp với mọi lĩnh vực. Tuy nhiên nhược điểm là Facebook có bảo mật yếu, dễ bị tin tặc tấn công. Những tài khoản Facebook có lượng người theo dõi lớn luôn nằm trong tầm ngắm của các hacker nên rất dễ bị “bay màu”.
- Xếp sau Facebook chính là Instagram với 6 triệu người dùng tại Việt Nam, trong đó nhóm người có độ tuổi từ 18-24 tuổi chiếm hơn 60%. Nhờ tính bảo mật cao và số lượng người dùng tăng trưởng đều đặn hàng tháng nên hầu hết những influencer nổi tiếng trên mạng xã hội đều sử dụng Instagram làm nền tảng truyền thông chính của họ. Instagram đặc biệt phù hợp với influencers làm về lĩnh vực làm đẹp, thời trang và phong cách sống.
- Nói đến nền tảng sáng tạo nội dung dạng video thì không thể không kể tới Youtube và TikTok. Điểm khác biệt ở đây là TikTok phát triển ở dạng video ngắn (15-60 giây), còn Youtube phát triển video chất lượng cao. Cho đến hiện tại thì TikTok là nền tảng có tốc độ tăng trưởng về số lượng influencer mới một cách chóng mặt. Mặc dù ra đời vào năm 2018, muộn hơn nhiều so với các nền tảng khác nhưng với nguồn thông tin khổng lồ được update mỗi ngày, tính đến nay TikTok đã thu hút hơn 10 triệu người dùng ở thế hệ trẻ (dưới 30 tuổi). Rất nhiều thương hiệu đã sử dụng TikTok để tiếp cận lượng lớn khách hàng gen Z.
Ngoài ra còn có rất nhiều nền tảng xã hội khác như LinkedIn, Twitter, Lotus, Gapo,…
Bước 3: Chuyển sang tài khoản doanh nghiệp
Nếu bạn có ý định trở thành một influencer, bạn cần chuyển sang tài khoản doanh nghiệp vì điều đó sẽ cung cấp nhiều tính năng hơn.
Với tài khoản doanh nghiệp, bạn có quyền truy cập vào công cụ phân tích tích hợp để nắm được dữ liệu và thông tin đầy đủ về những người theo dõi của bạn.
Nó cũng cung cấp cho bạn thông tin trực quan về mức độ tương tác (lượt thích, lượt chia sẻ và bình luận), lưu lượng truy cập trang web, mức độ yêu thích với thương hiệu và thậm chí là bán hàng.
Bằng cách theo dõi các số liệu phân tích này thường xuyên và điều chỉnh chiến lược cho phù hợp, bạn có thể cải thiện phạm vi tiếp cận và tiếp cận nhiều nhóm đối tượng mới.
Bước 4: Đảm bảo tính thẩm mỹ trên trang
Tính thẩm mỹ bao gồm màu sắc, giao diện, bố cục,…
Điều đầu tiên khi những người theo dõi tiềm năng truy cập trang của bạn, họ sẽ đánh giá, xem xét dựa trên những yếu tố thẩm mỹ này. Chúng có thể giúp bạn tăng thêm một người theo dõi mới hoặc khiến bạn mất đi một người theo dõi tiềm năng.
Bước 5: Thiết kế chiến lược nội dung
Đối với influencer, tính độc đáo và chất lượng của nội dung mà họ đăng tải sẽ trực tiếp tác động đến số lượng người theo dõi của họ. Vì vậy, phát triển một chiến lược Content Viral hiệu quả là rất quan trọng.
Có 2 cách để bạn phát triển nội dung:
- Cách 1: Chỉ tập trung đăng tải nội dung có liên quan. Lấy ví dụ về food influencer “Tiểu Màn Thầu”. Tất cả nội dung cô ấy đăng tải trên Instagram đều xoay quanh ẩm thực và nhà hàng. Cô ấy chuyên đánh giá các nhà hàng, quán ăn và sản phẩm từ các thương hiệu kinh doanh đồ ăn. Đồng thời đăng tải nội dung được tài trợ và hình ảnh về các món ăn mà cô ấy thích. Tiểu Màn Thầu duy trì sự đa dạng về các loại nội dung nhưng không bao giờ đi chệch khỏi lĩnh vực ẩm thực;
- Cách 2: Đăng tải nội dung kết hợp với cuộc sống cá nhân.
Cho dù bạn chọn chiến lược nội dung nào, hãy đảm bảo rằng giữa các thể loại nội dung luôn giữ được mức độ tương tác ổn định.
Sau khi bạn đã quyết định loại nội dung bạn sẽ đăng, bạn cũng cần phải lên kế hoạch về tần suất đăng bài. Hầu hết thuật toán của các nền tảng truyền thông xã hội thường ưu tiên cho các tài khoản đăng bài thường xuyên. Điều này đặc biệt đúng với Instagram, nó đòi hỏi tần suất đăng bài ổn định để tăng khả năng hiển thị.
Bạn có thể chọn đăng bài hàng ngày hoặc đăng bài 1-2 lần/tuần vào một khung giờ cố định trong ngày (chẳng hạn 20h tối thứ 3 hàng tuần) và duy trì đều đặn.
Tham khảo: Cách xây dựng chiến lược Social Content chi tiết!
Bước 6: Tương tác thường xuyên
Bạn càng có khả năng tương tác với khán giả của mình, thì càng có nhiều người bị ảnh hưởng bởi ý kiến và đề xuất của bạn. Đó là yêu cầu quan trọng đối với một influencer.
Một khi bạn bắt đầu đăng nội dung lên mạng xã hội, bạn sẽ thường xuyên nhận được lượt thích và bình luận về bài đăng của mình. Bạn có thể chọn cách trả lời nhận xét và trả lời bất kỳ câu hỏi nào mà người theo dõi hỏi bạn. Hoặc đơn giản chỉ cần “thích” nhận xét của họ để thể hiện sự đánh giá cao của bạn.
Một cách khác để tương tác với khán giả của bạn là đặt câu hỏi cho họ và bắt đầu cuộc trò chuyện về một chủ đề mà hai bên cùng quan tâm.
Những tương tác như thế này sẽ giúp xây dựng kết nối cá nhân với khán giả của bạn và củng cố vị trí của bạn trong lòng họ.
Bước 7: Tìm kiếm sự hợp tác
Bước cuối cùng hướng tới nhiệm vụ trở thành influencer chuyên nghiệp là thể hiện mong muốn được hợp tác với thương hiệu.
Dưới đây là 2 cách trực tiếp để tìm kiếm sự hợp tác với thương hiệu:
- Cung cấp thông tin liên hệ trong phần tiểu sử của mình: Điều này giúp cho thương hiệu có thể chủ động kết nối với bạn một cách dễ dàng;
- Chủ động tiếp cận và nhắn tin cho các thương hiệu về những gì mà bạn có thể cung cấp: Với cách này, tốt nhất là bạn nên thiết kế sẵn một mẫu tin nhắn mà bạn có thể sử dụng để tiếp cận với nhiều thương hiệu khác nhau, vì điều đó có thể giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian.
Ngoài ra, vẫn còn một cách gián tiếp để thu hút sự chú ý của thương hiệu là gắn thẻ và đề cập đến thương hiệu này khi bạn nói về sản phẩm của họ trong bài đăng của bạn. Điều này có thể không mang lại kết quả ngay lập tức nhưng sẽ giúp bạn hình thành mối quan hệ lâu dài với thương hiệu và có thể dẫn đến sự hợp tác trong tương lai.
Những yếu tố để đánh giá một Influencer thành công
- Reach: Độ phủ
- Relevance: Sự liên quan
- Resonance: Khả năng thay đổi ý kiến, khả năng tác động đến nhận thức người dùng
- Sentiment: Chỉ số cảm xúc mang lại cho người dùng
Hy vọng với những thông tin chúng tôi chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn hiểu rõ về công việc Influencer là gì, đặc biệt là 7 bước trở thành influencer chuyên nghiệp. Hãy nhớ rằng bất cứ công việc gì cũng cần phải có thời gian và nỗ lực thì mới mang lại kết quả. Vì vậy, bạn không thể mong đợi trở thành một influencer trong một sớm một chiều. Chúc các bạn thành công!