Rất nhiều người dân Việt Nam hiện nay chưa thực sự nhận thức đầy đủ khái niệm LGBT là gì? Họ luôn cho rằng đây là một loại bệnh cần được loại bỏ và buông lời kỳ thị ngay cả với con cháu của mình. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu rõ hơn những bí mật chưa được bật mí xoay quanh cộng đồng LGBT nhé!
LGBT là gì?
LGBT là cộng đồng gồm những người có xu hướng tính dục hoặc bản dạng giới khác với người bình thường.
Trong đó, LGBT là viết tắt của:
- Lesbian (đồng tính nữ);
- Gay (đồng tính nam);
- Bisexual (lưỡng tính);
- Transgender (người chuyển giới).
Hiện nay, ngoài 4 nhóm kể trên, các nhà khoa học còn phát hiện thêm nhiều xu hướng tính dục khác nữa, chẳng hạn như Asexal (người vô tính), Intersex (liên giới tính) và một nhóm vô cùng đặc biệt mang tên Queer (người không nhận định được mình thuộc giới nào). Do đó, cộng đồng LGBT giờ đây đã được mở rộng thành LGBTQ+ hoặc LGBTQIA.
→ Tham khảo: Trap là gì?
4+ nhóm LGBT
Dưới đây là 4 nhóm LGBT phổ biến hiện nay:
1. Lesbian
Đây là một dạng đồng tính luyến ái, được sử dụng để mô tả những người có giới tính sinh học là nữ nhưng lại bị thu hút cả về mặt tính dục lẫn tình cảm với một người phụ nữ khác.
Chủ nghĩa đồng tính nữ lần đầu tiên được đề cập đến trong lịch sử là trong Bộ luật Hammurabi, một bộ luật của người Babylon từ khoảng năm 1700 trước Công nguyên cho phép phụ nữ kết hôn với nhau.
Sẽ rất khó để có thể phân biệt một người đồng tính nữ với một người phụ nữ bình thường nếu chỉ nhìn qua phong cách quần áo hoặc những hành động mà họ biểu hiện ra bên ngoài, bởi vì giữa họ gần như chẳng có sự khác biệt nào cả.
2. Gay
Tương tự như Lesbian thì Gay cũng là một dạng đồng tính luyến ái, được sử dụng để mô tả những người có giới tính sinh học là nam nhưng lại bị thu hút cả về mặt tính dục lẫn tình cảm với một người nam khác.
Trước đây “Gay” là thuật ngữ dùng chung cho cả người đồng tính nam và người đồng tính nữ, nhưng do người đồng tính nữ thích được gọi là “Lesbian” hơn nên giờ đây chúng ta thường dùng “Gay” dành riêng cho những người đồng tính nam.
3. Bisexual
Đây là một dạng “song tính luyến ái” hay “toàn tính luyến ái”, được sử dụng để mô tả những người bị thu hút bởi cả người cùng giới lẫn người khác giới.
Mỗi cá nhân thuộc nhóm Bisexual sẽ có xu hướng tính dục khác nhau, nghĩa là có người bị thu hút như nhau đối với cả nam giới và nữ giới, nhưng cũng có người lại bị thu hút mạnh mẽ hơn hẳn bởi một trong hai giới tính so với giới tính còn lại.
Bisexual thường bị nhầm lẫn với Pansexual, đó là khi một người nào đó bị thu hút bởi tất cả các giới tính, bao gồm cả nam giới, nữ giới, chuyển giới, đồng tính, phi nhị phân và các cá nhân không thuộc giới tính nào cả.
Hai định nghĩa này nhìn qua có vẻ rất giống nhau, nhưng giữa chúng có một sự khác biệt rõ ràng:
- Bisexual có nghĩa là bị thu hút bởi hai hoặc nhiều giới tính
- Pansexual có nghĩa là bị thu hút bởi tất cả các giới tính
Đối với những người trong cộng đồng LGBT, việc xác định là Bisexual hay Pansexual chủ yếu phụ thuộc vào sở thích của từng cá nhân, bởi có một số người xác định là Bisexual nhưng vẫn cảm thấy bị hấp dẫn bởi mọi giới tính.
4. Transgender
Thuật ngữ “Transgender” được sử dụng để mô tả những người được sinh ra với cơ thể có cơ quan sinh dục rõ ràng (nam hoặc nữ) nhưng chúng lại không phù hợp với bản dạng giới của người đó. Để được sống thật với cơ thể và bản dạng giới của mình, những người này sẵn sàng chấp nhận rủi ro để thực hiện phẫu thuật chuyển giới.
Transgender thường bị nhầm lẫn với Intersex (liên giới tính) nhưng chúng lại là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Transgender khi sinh ra đã có giới tính sinh học rõ ràng, nhưng Intersex lại được sinh ra với cơ thể không rõ ràng là nam hay nữ.
Ví dụ, một em bé có nhiễm sắc thể nam nhưng lại có bộ phận sinh dục và các đặc điểm giới tính giống với nữ. Điều ngược lại cũng có thể xảy ra với những đứa trẻ có bộ nhiễm sắc thể nữ. Trong một số trường hợp, bộ phận sinh dục của một người Intersex có thể kết hợp các đặc điểm của cả nam và nữ.
Khi nào thì một người có thể nhận ra bản dạng giới của họ?
Trước tiên bạn cần phân biệt rõ ràng giữa “giới tính” và “bản dạng giới”.
Khi mới sinh, trẻ được phân định là nam hay nữ dựa trên các đặc điểm thể chất bên ngoài. Đây được gọi là \\\”giới tính\\\” hay \\\”giới tính được chỉ định\\\” của đứa trẻ. Trong khi đó, \\\”bản dạng giới\\\” chỉ ý thức bên trong con người; đó có thể là nam, nữ, kết hợp cả hai hoặc là không thuộc về giới nào cả.
Bản dạng giới của một người thường phát triển theo 4 giai đoạn:
- Khoảng 2 tuổi: Trẻ nhận thức được sự khác biệt về thể chất giữa trẻ em trai và trẻ em gái;
- Trước 3 tuổi: Trẻ có thể dễ dàng tự nhận mình là con trai hoặc con gái. Như vậy chúng ta có thể thấy nhận thức của một cá nhân về bản dạng giới và sự xuất hiện của một loạt các hành vi đặc trưng cho giới, thường được hình thành trong giai đoạn 2-3 tuổi;
- Đến 4 tuổi: Trẻ có ý thức ổn định về bản dạng giới của mình. Hầu hết bản dạng giới của trẻ em giống với giới tính được chỉ định của chúng. Tuy nhiên, ở một số trẻ sẽ có sự khác biệt nhỏ giữa giới tính được chỉ định với bản dạng giới. Khi bị người khác trêu chọc hoặc chế giễu về sự khác biệt này, trẻ lúc này có thể đưa ra một số phản ứng tiêu cực. Thường thì trẻ em trai có đặc điểm hành vi giống với trẻ em gái (thích chơi búp bê, thích mặc váy,…) sẽ biểu hiện phản ứng tiêu cực hơn so với trẻ em gái có đặc điểm hành vi giống với trẻ em trai (hiếu động, thích chơi siêu nhân,…). Những phản ứng tiêu cực như vậy có thể khiến trẻ bị ám ảnh và không dám công khai giới tính thật của mình;
- Từ 7 tuổi đến tuổi vị thành niên: Trẻ bắt đầu nhận ra sự khác biệt giữa các cá nhân trong cách chúng thể hiện bản dạng giới của mình. Trẻ em trước tuổi đi học thường có xu hướng chơi chung với bạn bè đồng giới (nam chơi với nam, nữ chơi với nữ) và xu hướng này có thể tiếp diễn cho đến tuổi vị thành niên. Ở giai đoạn này, tương tác giữa các giới tính sẽ phát triển hơn, mở đầu cho sự xuất hiện của các mối quan hệ đôi lứa lãng mạn.
Ngoài những thay đổi về hành vi, tuổi vị thành niên còn đi kèm với những thay đổi ở tuổi dậy thì. Những thay đổi này bao gồm: Mọc lông trên cơ thể, phát triển cơ quan sinh dục ngoài, giọng nói trở nên trầm hơn ở bé trai, phát triển ngực và bắt đầu hành kinh ở bé gái,…Những điều này có thể gây đau khổ sâu sắc cho những đứa trẻ có bản dạng giới không phù hợp với sự phát triển giới tính của chúng.
→ Tìm hiểu: FWB là gì?
Biểu tượng của cộng đồng LGBT
Lướt một vòng các trang mạng xã hội, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy nhiều fanpage cũng như group thuộc cộng đồng LGBT thường sử dụng avatar là hình ảnh lá cờ lục sắc.
Vậy bạn có biết ai là người tạo ra tác phẩm này, và tại sao nó lại trở thành biểu tượng của cộng đồng LGBT không?
Cờ lục sắc được tạo ra vào năm 1978 bởi một người đồng tính nam tên Gilbert Baker. Ông đồng thời là nghệ sĩ, nhà thiết kế và là một drag queen có tiếng. Cơ duyên khiến Baker tạo ra tác phẩm này là do ông được Harvey Milk, chính trị gia đồng tính đầu tiên ở Mỹ, ủy quyền để tạo ra một biểu tượng mang lại niềm tự hào cho cộng đồng người đồng tính sẽ xuất hiện trong cuộc diễu hành hàng năm của San Francisco.
Vào thời điểm đó, hình ảnh được sử dụng phổ biến nhất cho phong trào đòi quyền lợi của những người đồng tính là hình tam giác màu hồng, một biểu tượng được Đức Quốc xã sử dụng để xác định người đồng tính. Sử dụng một biểu tượng có quá khứ đen tối và đau thương như vậy không bao giờ là sự lựa chọn của Baker. Thay vào đó, ông đã chọn sử dụng cầu vồng làm nguồn cảm hứng của mình.
Các màu sắc khác nhau trong lá cờ nhằm đại diện cho sự đoàn kết vì những người LGBT thuộc mọi chủng tộc, lứa tuổi và giới tính. Lá cờ ban đầu có 8 màu, mỗi màu mang một ý nghĩa khác nhau. Ở trên cùng là màu hồng đậm đại diện cho tình dục, màu đỏ đại diện cho sự sống, màu cam để chữa bệnh, màu vàng biểu thị ánh sáng mặt trời, màu xanh lá cây đại diện cho thiên nhiên, màu xanh lá cây tượng trưng cho nghệ thuật, màu chàm đại diện cho sự hài hòa và cuối cùng là màu tím đại diện cho lòng can đảm.
Phiên bản đầu tiên của lá cờ lục sắc đã được tung bay vào ngày 25 tháng 6 năm 1978 trong cuộc diễu hành Ngày Tự do cho Người đồng tính ở San Francisco. Sau đó, Baker đã đưa thiết kế này cho Paramount Flag Company nhằm mục đích sản xuất hàng loạt để mọi người tiêu thụ. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, công ty này đã loại bỏ sọc màu hồng đậm và màu chàm. Màu chàm được thay thế bằng màu xanh lam cơ bản, như vậy lúc này cờ chỉ còn 6 màu là đỏ, cam, vàng, xanh lá cây, xanh lam và tím.
Kể từ đó đến nay, cờ lục sắc ngày càng trở nên phổ biến và hiện được xem như biểu tượng quốc tế cho niềm tự hào của cộng đồng LGBTQ+.
Gilbert Baker qua đời vào ngày 31 tháng 3 năm 2017 ở tuổi 65, chỉ hai năm sau khi hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới trên khắp nước Mỹ, tuy nhiên di sản của ông là lá cờ lục sắc vẫn sẽ tồn tại và tung bay đầy kiêu hãnh trên khắp thế giới.
Ngày chống kỳ thị LGBT
Vào ngày 17/5/1990, sau một thời gian dài cân nhắc, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã gạch tên “đồng tính luyến ái” khỏi danh sách bệnh tật quốc tế, chính thức chấp nhận nó là một biến thể tự nhiên của tính dục con người – chấm dứt lầm tưởng rằng đồng tính là một chứng rối loạn hoặc một cái gì đó cần được chữa trị.
Đó là lý do vì sao ngày 17/5 hàng năm lại được lựa chọn là Ngày Quốc tế chống kỳ thị người đồng tính, chứng sợ chuyển giới và chứng sợ hãi người Biphobia (tên tiếng Anh: International Day Against Homophobia, Transphobia and Biphobia), gọi tắt là IDAHOT.
Vào ngày 17/5/2004, sự kiện Quốc tế chống kỳ thị LGBT lần đầu tiên được tổ chức tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Congo, Trung Quốc và Bulgaria với sự tham gia của 24.000 cá nhân cũng như các tổ chức LGBT lớn như Hiệp hội Đồng tính nữ và Đồng tính Quốc tế (ILGA), Ủy ban Nhân quyền Đồng tính nam và Đồng tính nữ Quốc tế (IGLHRC), Đại hội Thế giới của Người Do Thái LGBT và Liên minh những người Đồng tính nữ Châu Phi.
Trong ngày diễn ra sự kiện, rất nhiều hoạt động được diễn ra sôi nổi, có thể kể đến như hội thảo, diễu hành, lễ hội văn hóa, lễ hội âm nhạc, liên hoan nghệ thuật,… Mục đích chính của những hoạt động này là nâng cao nhận thức của người dân trong việc phân biệt đối xử và đàn áp cộng đồng LGBT trên toàn thế giới, từ đó thu hút sự chú ý của giới truyền thông cũng như các nhà hoạch định chính sách.
Giờ đây, ngày Quốc tế chống kỳ thị LGBT IDAHOT đã được công nhận tại hơn 130 quốc gia khác nhau, trong đó châu Âu (Anh, Pháp, Canada, Hà Lan,…) và châu Mỹ Latinh (Mexico, Mỹ, Croatia,…) là hai khu vực mà sự kiện này được tổ chức long trọng và hoành tráng nhất.
Việt Nam của chúng ta cũng đã kỷ niệm IDAHOT lần đầu tiên vào năm 2011 và chính thức gia nhập “Liên minh Đoàn kết” IDAHOT vào năm 2018, tuy nhiên phong trào chống kỳ thị LGBT tại nước ta vẫn chưa thực sự gây được tiếng vang lớn. Chỉ tới khi Hương Giang đăng quang Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế 2018, cùng với sự xuất hiện của chương trình “Người ấy là ai” và “Đại sứ hoàn mỹ” thì quan niệm khắt khe về LGBT mới phần nào được gỡ bỏ.
Cuộc sống của LGBT hiện nay
Trong lịch sử, những người thuộc cộng đồng LGBT từng bị coi là người bệnh chỉ vì xu hướng tính dục khác với người bình thường. 90% trong số họ phải chịu ít nhất một hình thức phân biệt đối xử nào đó ngay trong chính gia đình của mình, tại nhà trường, tại nơi làm việc và ngoài xã hội.
Giờ đây, quan niệm về LGBT không còn khắt khe như trước nữa, làn sóng come-out ngày càng có sức lan tỏa nhưng những hình thức phân biệt đối xử mà LGBT đã và đang phải chịu đựng thì vẫn còn đó.
Đơn cử như tại môi trường làm việc, vẫn còn một số nhà tuyển dụng tỏ ra e ngại khi ứng viên của mình là người đồng tính, lưỡng tính hoặc chuyển giới. Có không ít trường hợp LGBT chia sẻ rằng mình bị mất cơ hội thăng chức, thậm chí bị sa thải khi bị cấp trên phát hiện họ không phải người dị tính.
Bên cạnh những khó khăn liên quan đến cơ hội việc làm, nhiều người thuộc cộng đồng LGBT còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận giáo dục, thuê nhà ở cũng như hòa nhập cộng đồng. Khả năng tiếp cận dịch vụ y tế cũng trở nên hạn chế hơn đối với LGBT.
Điều đáng nói ở đây là nạn phân biệt đối xử vẫn còn ngang nhiên diễn ra tại nơi công cộng, và mọi người coi đó là điều bình thường.
Theo thống kê gần đây của Ủy ban IDAHOBIT tại Úc, chỉ trong vòng 12 tháng qua, số lượng người chuyển giới và người có giới tính đa dạng bị phân biệt đối xử đã lên tới 77% khiến họ rơi vào hội chứng trầm cảm và lo âu xã hội.
Tờ Guardian (Anh) mới đây cũng đã mô tả cuộc sống của giới trẻ thuộc cộng đồng LGBT tại Scotland “đang dần trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết” khi mà vấn nạn kỳ thị và bắt nạt người đồng tính tại nơi công cộng ngày càng gia tăng khiến họ cảm thấy không còn an toàn nữa. Theo kết quả khảo sát của nhóm ủng hộ thanh niên LGBT tại Scotland, vào năm 2022, chỉ có 65% thanh-thiếu niên LGBT cho rằng đất nước họ (Scotland) là môi trường sống lành mạnh đối với những người thuộc cộng đồng này. Đây là con số thấp kỷ lục được ghi nhận trong vòng 15 năm qua tại Scotland.
Ngay tại một quốc gia luôn tự hào có nền văn minh tự do như Mỹ thì cứ 4 người LGBT cũng sẽ có 1 người bị phân biệt đối xử.
Đó là cuộc sống của LGBT tại nước ngoài, vậy còn tại Việt Nam thì sao? Theo báo cáo “Là người LGBT tại Việt Nam” của USAID và UNDP vào năm 2021: Mặc dù cộng đồng LGBT tại Việt Nam ngày càng phát triển lớn mạnh trong những năm gần đây, nhưng những thành viên trong cộng đồng này vẫn đang bị kỳ thị và phân biệt đối xử trong mọi mặt của đời sống như giáo dục, chăm sóc y tế, việc làm và gia đình.
Không ai trong chúng ta được lựa chọn giới tính ngay từ khi còn trong bụng mẹ, vì vậy hãy tôn trọng sự khác biệt của những người thuộc LGBT. Mong rằng qua bài viết này, bạn có thể nhận thức rõ LGBT là gì và thông cảm với những bất công mà LGBT đang phải gánh chịu ngay cả khi họ chẳng làm sai điều gì cả. Có như thế thì chúng ta mới chung tay đẩy lùi nạn kỳ thị và phân biệt đối xử với LGBT.