Từng là một phương pháp truyền bá thông tin bằng âm thanh ít người biết đến, giờ đây Podcast đã trở thành một trong những công cụ phổ biến hàng đầu thế giới phân phối nội dung dưới định dạng âm thanh. Trong bài viết ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau bàn về định nghĩa podcast là gì, lịch sử hình thành, phân loại và cách sử dụng podcast trên các thiết bị di động nhé.
Podcast là gì?
Podcast là một chuỗi (series) gồm nhiều tệp âm thanh hoặc video kỹ thuật số có sẵn trên internet mà người dùng có thể nghe trực tuyến hoặc tải xuống thiết bị cá nhân như điện thoại, laptop, máy tính bảng,…để nghe tại bất kỳ thời điểm nào và ở bất kỳ đâu. Mỗi phần nội dung riêng lẻ được gọi là một tập podcast.
Người tạo ra podcast được gọi là một podcaster. Một chuỗi podcast thường có một hoặc nhiều người dẫn chương trình định kỳ tham gia vào một cuộc thảo luận về một chủ đề cụ thể hoặc một sự kiện đang hot ở thời điểm hiện tại. Các chủ đề được nhắc đến trong podcast thì vô cùng đa dạng: từ chủ đề hướng nghiệp, marketing, tình yêu đến văn hóa, thể thao, nuôi dạy con cái,…
Nội dung trong podcast có thể là những cuộc thảo luận hoàn toàn ngẫu hứng, hoặc đã được viết kịch bản cẩn thận từ trước.
Lịch sử của Podcast
The Illusion of Independent Radio là một chương trình phát thanh của Nga được tạo ra vào năm 1989 tại Rostov-on-Don và được phát trên băng từ và cassette. Đây chính là nguyên mẫu đầu tiên của Nga Xô Viết về hiện tượng truyền thông được phát triển rộng rãi vào những năm 2000 với tên gọi podcasting.
Vào tháng 10 năm 2000, ý tưởng đính kèm các tệp âm thanh và video trong nguồn cấp dữ liệu RSS đã được đề xuất trong một bản thảo của Tristan Louis. Ý tưởng này đã được thực hiện bởi một nhà phát triển phần mềm có tên là Dave Winer, ông đồng thời là tác giả của định dạng RSS. Ứng dụng đầu tiên giúp cho quá trình này trở nên khả thi là iPodderX, được phát triển bởi August Trometer và Ray Slakinski.
Tháng 10 năm 2003, Winer và bạn bè tổ chức hội nghị weblogger BloggerCon đầu tiên tại Berkman Centre. Tại hội nghị này, một phần mềm có tên là RSS-to-iPod đã được ra mắt với tính năng cho phép người dùng iPod được quyền tải các tệp âm thanh từ trên Internet về.
Vào đầu tháng 2 năm 2004, nhà báo Ben Hammersley của tờ The Guardian đã gợi ý nên sử dụng thuật ngữ “podcast” bằng cách ghép giữa “iPod” với “broadcast” làm tên cho công nghệ mới ra đời. Bảy tháng sau, Dannie Gregoire sử dụng thuật ngữ “podcasting” để mô tả việc tải xuống tự động và đồng bộ hóa nội dung âm thanh. Kể từ đó thuật ngữ “podcast” ra đời và thay thế cho cái tên “autoblogging” được sử dụng vào những năm trước đó.
Vào tháng 8 năm 2004, Adam Curry ra mắt chương trình Daily Source Code của mình. Đó là một chương trình tập trung vào việc ghi lại cuộc sống hàng ngày của anh ấy, cung cấp tin tức và các cuộc thảo luận về sự phát triển của podcasting, cũng như quảng bá các podcast mới và đang nổi. Nhờ vậy mà số lượt truy cập trên Google cho từ “podcast” ngày càng tăng và lọt top từ khóa Google Trend.
Vào tháng 6 năm 2005, Apple phát hành iTunes 4.9 bổ sung hỗ trợ chính thức cho podcast, do đó loại bỏ nhu cầu sử dụng một chương trình riêng biệt để tải xuống và chuyển chúng sang thiết bị di động. Ngoài ra, Apple đã ban hành lệnh ngừng và hủy bỏ danh sách đối với nhiều nhà phát triển ứng dụng podcast và nhà cung cấp dịch vụ về việc sử dụng thuật ngữ “iPod” hoặc “Pod” trong tên sản phẩm của họ.
Trong vòng một năm, nhiều podcast từ các mạng phát thanh công cộng như BBC, CBC Radio One, NPR và Public Radio International đã đưa nhiều chương trình radio của họ lên nền tảng iTunes. Ngoài ra, các đài phát thanh địa phương lớn như WNYC ở Thành phố New York, đài WHYY-FM ở Philadelphia và KCRW ở Los Angeles cũng tải các chương trình của họ trên trang web và trên nền tảng iTunes. Đồng thời, CNET, This Week in Tech và sau đó là Bloomberg Radio, Financial Times và một số công ty khác đã cung cấp nội dung podcast, thậm chí một số công ty sử dụng podcasting làm hệ thống phân phối nội dung duy nhất của họ.
Đến năm 2007, podcast đã trở thành một xu hướng phân phối nội dung âm thanh mới trên toàn thế giới, thay thế cho các chương trình phát thanh kể từ những năm 1930. Sự thay đổi này xảy ra do sự phát triển của internet cùng với việc người tiêu dùng tăng khả năng tiếp cận với các phần mềm rẻ hơn để ghi và chỉnh sửa âm thanh.
Phân loại Podcast
Có 6 định dạng podcast phổ biến nhất, đó là:
- Podcast phỏng vấn: Đây được cho là định dạng podcast phổ biến nhất, gồm một người dẫn chương trình cố định hoặc nhiều người dẫn chương trình nói chuyện với một vị khách mời vào mỗi tuần. Mặc dù khách mời và chủ đề có thể khác nhau, nhưng luôn có một chủ đề gắn kết họ với nhau;
- Podcast đối thoại: Nó giống như một cuộc thảo luận bình thường giữa bạn bè với nhau, và mỗi tập sẽ nói về một chủ đề khác nhau;
- Podcast giáo dục: Các podcast này tương tự như podcast phỏng vấn hoặc đối thoại, nhưng sẽ tập trung vào việc giảng dạy về một chủ đề nào đó, chẳng hạn như phát triển doanh nghiệp hoặc cải thiện khả năng hội họa của bạn;
- Postcast solo: Dạng podcast này thường trình bày dưới dạng độc thoại, nghĩa là chỉ có một cá nhân duy nhất điều hành chương trình;
- Podcast tin tức: Người dẫn chương trình sẽ chia sẻ các cập nhật mới nhất liên quan đến chủ đề nào đó;
- Tiểu thuyết podcast: Đây là hình thức kể chuyện thông qua các tệp âm thanh.
Cách sử dụng Podcast trên iPhone, iPad
Riêng đối với các thiết bị di động sử dụng hệ điều hành iOS, ứng dụng Podcast đã được nhà sản xuất tích hợp sẵn, vì vậy người dùng không cần phải tải thêm bất kỳ ứng dụng trung gian nào khác.
1. Các bước tìm và download podcast trên iPhone, iPad
- Bước 1: Truy cập vào ứng dụng Podcasts;
- Bước 2: Chọn Mục lục/Browse, lúc này bạn sẽ thấy tên của các podcast nổi bật và người sản xuất podcast. Hoặc bạn có thể chọn Search để tìm kiếm podcast yêu thích.
- Bước 3: Ấn vào podcast để hiển thị nội dung từng phần.
Hoàn thành xong bước thứ 3 là bạn có thể nghe podcast trực tuyến trên iPhone hoặc iPad được rồi, nhưng nếu bạn muốn tải podcast về thiết bị thì thực hiện thêm một bước cuối cùng: Ấn vào dấu “+” và chọn biểu tượng Download/Tải về.
2. Cách chia sẻ nội dung Podcast trên iPhone và iPad
Giả sử bạn tìm được một podcast có nội dung rất hữu ích và muốn chia sẻ cho bạn bè của mình, hãy thực hiện các bước sau:
- Bước 1: Mở ứng dụng Podcasts;
- Bước 2: Chọn Podcast mà bạn yêu thích;
- Bước 3: Nhấn vào biểu tượng “…” ở góc màn hình và chọn Chia sẻ/Share;
- Bước 4: Chọn hình thức chia sẻ (Twitter, Facebook hoặc iMessage).
3. Cách đồng bộ Podcast trên các thiết bị iPhone, iPad khác nhau
Người dùng có thể đồng bộ hóa Podcast trên các thiết bị khác nhau nhưng phải đảm bảo sử dụng chung một AppleID. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, không cần phải tải đi tải lại một Podcast nhiều lần.
Thứ tự thực hiện như sau:
- Bước 1: Nhấn vào biểu tượng Cài Đặt/Setting trên màn hình chính;
- Bước 2: Kéo xuống dưới và chọn biểu tượng Podcasts;
- Bước 3: Tại mục Sync Podcasts, hãy gạt sang phía On/Bật màu xanh.
Như vậy tất cả Podcast sẽ được đồng bộ hóa sau một vài phút trên tất cả thiết bị di động mà bạn đăng nhập bằng tài khoản AppleID.
4. Cách cài đặt tần suất refresh Podcast theo định kỳ từ iPhone và iPad
Bạn có thể chủ động cài đặt tần suất cập nhật Podcast thông qua 3 bước sau đây:
- Bước 1: Nhấn vào biểu tượng Cài Đặt/Setting trên màn hình chính;
- Bước 2: Kéo xuống dưới và chọn biểu tượng Podcasts;
- Bước 3: Tại mục Refresh Every, lựa chọn tần suất phù hợp (1 hour, 6 hour, Day, Week, Manually).
Cách sử dụng Podcast trên hệ điều hành Android
Mặc dù podcast không được tích hợp sẵn trên các thiết bị sử dụng hệ điều hành Android nhưng người dùng vẫn có thể thưởng thức podcast mỗi ngày thông qua các ứng dụng trực tuyến. Trong đó không thể không kể đến “Podcast Addict”. Đây là ứng dụng hoàn toàn miễn phí và bạn có thể tải nó qua CH Play của Google.
Sau khi tải Podcast Addict về điện thoại, bạn cần thao tác thêm 6 bước sau đây thì mới có thể tải và nghe được podcast:
- Bước 1: Tại giao diện màn hình chính, nhấn vào mục Công cụ tìm kiếm/Search Engine để tìm kiếm podcast theo tên, hoặc nhấn vào mục “Tìm theo Podcast phổ biến/Browse Popular Podcasts“ để tìm kiếm podcast đang nổi gần đây;
- Bước 2: Chọn kênh muốn đăng ký (Arts, Business, Audiobook, Comedy, Education, Fiction, Health & Fitness, Government, History, Leisure, Kid & Family, Music, News, Science, Society & Culture, Religion & Spirituality, Sports, True Crime, Technology, TV & Film);
- Bước 3: Chọn Subscribe;
- Bước 4: Nhấn vào biểu tượng 3 gạch ngang ở góc trái, chọn mục Podcasts để trở về màn hình chính;
- Bước 5: Chọn Podcast vừa đăng ký;
- Bước 6: Nhấn vào biểu tượng Tải xuống/Download và thưởng thức.
Bây giờ bạn đã biết một số loại podcast hiện có, cũng như cách sử dụng podcast trên cả hai hệ điều hành là iOS và Android rồi chứ? Chúng tôi tin chắc rằng nó sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều trong việc tiếp thu kiến thức và phát triển kỹ năng cá nhân đấy.
Có thể bạn quan tâm: Cách tạo kênh Podcast