Luôn xuất hiện trong mọi chiến dịch tiếp thị lớn nhỏ của doanh nghiệp, Social Media Marketing (SMM) được giới marketers chuyên nghiệp lựa chọn là một trong những công cụ Digital Marketing quyền năng bậc nhất trong việc kết nối giữa khách hàng với doanh nghiệp.
Vậy Social Media là gì mà lại có tầm ảnh hưởng quan trọng như vậy? Làm thế nào để xây dựng một chiến lược Social Media Marketing hiệu quả cho doanh nghiệp của bạn mà vẫn tiết kiệm ngân sách? Cùng tìm hiểu nhé!
Social Media là gì?
Thuật ngữ Social Media đề cập đến tất cả các nền tảng cho phép người dùng đăng tải, chia sẻ cũng như bàn luận về những nội dung xuất hiện trên Internet.
Có một sự thật là: Rất nhiều người trong chúng ta đang gộp chung hai khái niệm “Social Media” và “mạng xã hội” (Social Network) vào làm một. Tuy nhiên, trên thực tế thì mạng xã hội chỉ là 1 trong 4 hình thức phổ biến của Social Media mà thôi. Vậy 3 hình thức còn lại là gì?
Phân loại Social Media
1. Social Community
Bao gồm những nền tảng hoạt động với mục đích gắn kết người dùng có chung sở thích lại với nhau với tính năng tương tác đa chiều, nghĩa là người dùng được phép trò chuyện, chia sẻ và nhận thông tin từ nhiều phía. Các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter, Linkedin,…và các diễn đàn thảo luận như Reddit, Quora đều thuộc về nhóm này;
2. Social Entertainment
Các nền tảng thuộc nhóm Social Entertainment bao gồm mạng giải trí trực tuyến Twitch và một số web live game như Bigo Live, Nimo TV, xSplit GameCaster,…
3. Social Commerce
Đây là nền tảng cho phép người mua và người bán giao dịch trực tiếp với nhau. Người mua được quyền nhận xét, đánh giá chất lượng của sản phẩm/dịch vụ ngay trên đó, còn người bán được quyền phản hồi lại nhận xét của người mua. Một số nền tảng Social Commerce phổ biến tại Việt Nam gồm có Shopee, Lazada, Tiki, Alibaba, 1688,…
4. Social Publishing
Các nền tảng thuộc nhóm Social Publishing gồm có Youtube, Pinterest, Spotify, SlideShare,…Chúng hoạt động với mục đích chia sẻ thông tin, kiến thức, hình ảnh, video hoặc tài liệu tới người dùng.
Chức năng của Social Media
Đối với các cá nhân, mạng xã hội được sử dụng để giữ liên lạc với bạn bè và gia đình. Một số người sẽ sử dụng các ứng dụng social media để tìm kiếm cơ hội việc làm.
Còn đối với các doanh nghiệp, việc kết hợp phương tiện truyền thông xã hội vào chiến lược tiếp thị của họ có thể đem lại 5 lợi ích to lớn sau đây:
- Khả năng tiếp cận đối tượng rộng rãi: Ngày nay một nửa dân số toàn cầu đều sử dụng mạng xã hội, vì vậy Social Media Marketing được coi là cách dễ dàng nhất để tiếp cận một lượng lớn khách hàng trên khắp thế giới;
- Tăng nhận thức về thương hiệu: Theo Hootsuite, trong các nguồn cung cấp dữ liệu, có đến 52% lượt khám phá thương hiệu trực tuyến. Nói cách khác, phần lớn mọi người có xu hướng tìm hiểu về các thương hiệu mới trên mạng xã hội. Vì vậy, thương hiệu nào cũng nên có các tài khoản chất lượng cao trên các nền tảng mạng xã hội khác nhau để tận dụng lợi ích truyền thông xã hội của người dùng;
- Tăng lưu lượng truy cập trang web: Theo báo cáo “Các xu hướng truyền thông xã hội lớn nhất trong năm 2022” của GWI, 11% lưu lượng truy cập trang web trên thiết bị di động đến từ social media. Mặc dù nhiều nền tảng Social Media cho phép các thương hiệu bán sản phẩm của họ mà không cần người dùng phải truy cập trang web hoặc landingpage, tuy nhiên mạng xã hội vẫn là một cách tuyệt vời để kéo traffic cho trang web của bạn;
- Phân phối nội dung nhanh hơn và dễ dàng hơn: Mọi người có thói quen chia sẻ thông tin hữu ích, thú vị với bạn bè của họ trên mạng xã hội. Do đó nội dung trên Social Media thường được phân phối nhanh hơn và tiếp cận được nhiều đối tượng hơn so với việc phân phối nội dung qua website. Mạng xã hội còn là một công cụ tuyệt vời để thông báo cho khách hàng của bạn về các ưu đãi đặc biệt sắp diễn ra;
- Tương tác thường xuyên với khách hàng: Bạn biết không, chỉ cần thương hiệu chủ động tương tác với khách hàng bằng cách thả like trong phần bình luận, người dùng sẽ nghĩ rằng thương hiệu này có vẻ gần gũi và đáng tin cậy. Ngoài ra, Social Media còn giúp thương hiệu nhận được phản hồi từ phía khách hàng thông qua các bài đánh giá, lượt thích, nhận xét,… Nếu khách hàng của bạn có trải nghiệm không tốt với sản phẩm, họ sẽ chọn cách phản ánh về sản phẩm đó qua mạng xã hội, hơn là qua email hoặc gọi điện thoại trực tiếp.
Ngoài ra, Social Media còn đem lại rất nhiều lợi ích to lớn về mặt xã hội. Điển hình nhất là trong đợt lũ lụt miền Trung vào năm 2020, khi mà hàng trăm căn nhà bị nước lũ nhấn chìm, khiến bà con rơi vào hoàn cảnh khó khăn chồng chất khó khăn. Trong thời điểm nước sôi lửa bỏng như vậy, các phương tiện Social Media đã phát huy vai trò chia sẻ thông tin và kết nối vô cùng mạnh mẽ. Chỉ trong một đêm, cộng đồng mạng đã chung tay đóng góp được hàng chục tỷ đồng để giúp đỡ người dân miền Trung vượt qua khó khăn trước mắt.
Cách làm Social Media hiệu quả
Dưới đây là kế hoạch 7 bước để phát triển một chiến lược tiếp thị truyền thông xã hội (Social Media Marketing) thành công:
Bước 1: Thiết lập mục tiêu và các chỉ số một cách rõ ràng
Hãy đặt mục tiêu của bạn bằng cách sử dụng khung mục tiêu SMART, nghĩa là mỗi mục tiêu của bạn phải:
- Cụ thể (Specific): Giả sử mục tiêu của bạn là tăng lượng người theo dõi trên Instagram thêm 200 người mỗi tháng. Bạn càng cụ thể với mục tiêu của mình bao nhiêu thì bạn càng sẽ dễ dàng đặt ra chiến lược bấy nhiêu;
- Có thể đo lường (Measurable): Khi bạn đặt ra các mục tiêu cụ thể, việc đo lường kết quả sẽ trở nên dễ dàng hơn. Nếu không tăng được 200 người theo dõi mới mỗi tháng, bạn có thể điều chỉnh chiến lược của mình để cải thiện kết quả;
- Có thể đạt được (Attainable): Đôi khi các công ty quá tham vọng và đặt ra những mục tiêu không thực tế. Điều này là hoàn toàn không nên. Hãy đảm bảo rằng mục tiêu của bạn có thể đạt được với nguồn lực mà bạn hiện có;
- Có liên quan (Relevant): Việc tăng 200 lượt theo dõi mỗi tháng trên Instagram có giúp bạn đạt được mục tiêu kinh doanh của mình không? Mục tiêu bạn đặt ra sẽ tác động đến lợi nhuận hàng tháng như thế nào?
- Giới hạn thời gian (Time-bound): Mục tiêu này cần được bắt đầu và kết thúc tại thời điểm nào?
Bạn có thể theo đuổi nhiều mục tiêu khác nhau với Social Media Marketing (SMM), điều đó phụ thuộc vào chiến lược marketing tổng thể của bạn. Nhưng bất kể mục tiêu của bạn là gì, bạn phải xác định chúng một cách chính xác.
Bước 2: Nghiên cứu đối tượng mục tiêu
Đối tượng mục tiêu trên Social Media của bạn là một nhóm người có nhiều khả năng quan tâm đến doanh nghiệp của bạn nhất. Bạn không thể nhắm mục tiêu đến tất cả mọi người, đặc biệt là khi bạn điều hành một doanh nghiệp nhỏ. Đối tượng càng miêu tả cụ thể càng tốt.
Bạn nên sử dụng các yếu tố như tuổi tác, ngôn ngữ, sở thích, vị trí, thu nhập trung bình, khả năng chi tiêu và cách họ tương tác với các doanh nghiệp khác trên mạng xã hội,…để xác định đối tượng của bạn tốt hơn.
Bước 3: Nghiên cứu đối thủ cạnh tranh
Có rất nhiều điều hay ho mà bạn có thể học hỏi được từ chính các đối thủ cạnh tranh của mình; ví dụ như những chiến lược Social Media Marketing hiệu quả và không hiệu quả mà họ từng làm trong quá khứ.
Hãy làm theo các bước sau để có một bức tranh nghiên cứu rõ ràng về những đối thủ của bạn:
- Xác định các từ khóa dùng để cạnh tranh: Chuẩn bị một danh sách các từ khóa có liên quan để theo dõi lượng tìm kiếm. Những từ khóa này sẽ giúp bạn thu hẹp phạm vi tiếp cận của đối thủ cạnh tranh;
- Tìm xem ai là đối thủ cạnh tranh lớn nhất: Chọn 10 từ khóa hàng đầu có liên quan nhất đến sản phẩm và doanh nghiệp của bạn. Sau đó dùng dữ liệu phân tích của Google để tìm đối thủ cạnh tranh hàng đầu của bạn;
- Bây giờ hãy sử dụng các từ khóa hàng đầu của bạn để xem ai xuất hiện đầu tiên trong bảng kết quả tìm kiếm trên mạng xã hội;
- Tìm hiểu các thương hiệu mà khách hàng mục tiêu của bạn đang theo dõi: Twitter Analytics và Facebook Audience Insights là hai công cụ sẽ giúp các marketer tìm thấy những thương hiệu mà khách hàng của họ theo dõi.
Sau khi thực hiện các kỹ thuật này, danh sách đối thủ của bạn có thể lên tới hàng chục người. Tuy nhiên, hãy thu hẹp danh sách xuống còn tối đa 5 thương hiệu đang cạnh tranh gay gắt nhất với bạn trên mạng xã hội. Và sau đó, bạn có thể thực hiện phân tích SWOT để hiểu rõ hơn lợi thế cũng như hạn chế của mình.
Việc phân tích cách mà đối thủ cạnh tranh của bạn đang sử dụng Social Media để thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh sẽ giúp bạn tìm ra cơ hội phát triển. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là bạn cần phải bắt chước đối thủ cạnh tranh của mình.
Ví dụ, nếu đối thủ đang tập trung phần lớn nguồn lực vào Facebook, bạn có thể thử tập trung nguồn lực sang TikTok và Instagram – nơi mà khách hàng mục tiêu của bạn chưa biết tới sản phẩm này.
Gợi ý: Đọc toàn bộ nhận xét và đánh giá trên các trang mạng xã hội của đối thủ cạnh tranh để xem khách hàng của họ đang phàn nàn hoặc mong muốn điều gì. Khi bạn tìm ra được điểm mấu chốt này, hãy bắt đầu chiến lược phân phối nội dung dựa trên những yêu cầu cụ thể đó. Như vậy là bạn đã có một lợi thế lớn hơn rất nhiều so với các đối thủ cạnh tranh của bạn.
Bước 4: Xác định nền tảng Social Media mà bạn sẽ sử dụng
Như đã thảo luận trước đó, không phải tất cả các nền tảng xã hội đều được tạo ra giống nhau.
Mỗi nền tảng sẽ có đặc trưng riêng và một nhóm người dùng cụ thể với các đặc điểm riêng về cách họ tương tác với nội dung. Cụ thể như sau:
1. Facebook
- Số lượng người dùng: 1,9 tỷ người dùng hoạt động hàng ngày trên toàn thế giới;
- Đối tượng người dùng: Mọi thế hệ;
- Tác động của ngành: B2C;
- Hoạt động tốt nhất cho: Nhận biết thương hiệu & Quảng cáo.
2. TikTok
- Số lượng người dùng: 1 tỷ người dùng toàn cầu hoạt động hàng tháng;
- Đối tượng người dùng: Chủ yếu là thế hệ Z, sau đó là Millennials;
- Tác động của ngành: B2B và B2C;
- Đặc trưng: Nội dung video ngắn, sáng tạo;
- Hoạt động tốt nhất cho: Nhận biết thương hiệu & Quảng cáo.
Khi nói đến video dạng ngắn, có lẽ bạn sẽ nghĩ ngay đến TikTok. Nền tảng này bắt đầu trở nên phổ biến vào năm 2020 và không hề có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Đây là một trong những nền tảng tốt nhất để doanh nghiệp xây dựng cộng đồng.
3. Instagram
- Số lượng người dùng: 1 tỷ người dùng toàn cầu hoạt động hàng tháng;
- Đối tượng người dùng: Chủ yếu là Millennials;
- Tác động của ngành: B2C;
- Đặc trưng: Hình ảnh và video chất lượng cao;
- Hoạt động tốt nhất cho: Quảng cáo.
Ngày nay, người dùng Instagram có thể tìm hiểu các thương hiệu cũng như các sản phẩm và dịch vụ của họ và hoàn tất giao dịch mua mà không cần rời khỏi ứng dụng. Điều này khiến Instagram trở thành một nền tảng khó đánh bại trong tương lai.
4. Twitter
- Số lượng người dùng: 211 triệu người dùng toàn cầu hoạt động hàng ngày;
- Đối tượng người dùng: Chủ yếu là Millennials;
- Tác động của ngành: B2B và B2C;
- Hoạt động tốt nhất cho: Quan hệ công chúng (PR); Dịch vụ khách hàng & Xây dựng cộng đồng.
Trong khi Instagram tập trung vào hình ảnh thì Twitter tập trung vào ngôn từ. Hiện nay nền tảng này đã mở rộng thêm một công cụ âm thanh có tên là Twitter Spaces, một công cụ xây dựng cộng đồng có tên là Twitter Communities và Twitter Moments để doanh nghiệp có thể chia sẻ nội dung thú vị với những người theo dõi.
5. LinkedIn
- Số lượng người dùng: 744 triệu người dùng đang hoạt động trên toàn thế giới;
- Đối tượng người dùng: Baby Boomers, Thế hệ X và Millennials;
- Tác động của ngành: B2B;
- Hoạt động tốt nhất cho: Các mối quan hệ B2B, phát triển kinh doanh và bán hàng trên mạng xã hội.
Đây có lẽ là nền tảng duy nhất mà đối tượng của nó được xác định rõ ràng: HR và người tìm kiếm việc làm. Điều này khiến LinkedIn trở thành nền tảng lý tưởng cho các công ty B2B đang tìm cách xây dựng một cộng đồng theo ngành cụ thể.
6. Youtube
- Số lượng người dùng: Hơn 315 triệu người dùng hàng ngày đang hoạt động trên toàn thế giới;
- Đối tượng người dùng: Chủ yếu là thế hệ Millennials nhưng có lượng khán giả ở mọi giới tính và độ tuổi;
- Tác động của ngành: B2B và B2C;
- Đặc trưng: Video dạng dài và video hướng dẫn;
- Hoạt động tốt nhất cho: Nhận biết thương hiệu.
Với số lượng truy cập hàng tháng lên tới con số 14 tỷ, YouTube trở thành trang web được truy cập nhiều thứ hai trên thế giới, chỉ sau công ty mẹ là Google. Ngoài ra, Youtube còn được các nhà tiếp thị lựa chọn là nền tảng tốt nhất để xây dựng cộng đồng.
7. Pinterest
- Số lượng người dùng: 444 triệu người dùng hoạt động hàng tháng trên toàn thế giới;
- Đối tượng người dùng: Chủ yếu là thế hệ Millennials với lượng khán giả thuộc thế hệ Gen Z, Gen X và Baby Boomers;
- Tác động của ngành: B2C;
- Hoạt động tốt nhất cho: Quảng cáo trực quan.
Pinterest không chỉ là một công cụ khám phá tuyệt vời mà còn là một cách để các thương hiệu xây dựng câu chuyện của họ thông qua những hình ảnh trực quan.
Bước 5: Tạo nội dung hấp dẫn
Nội dung là bất cứ thứ gì mà bạn đăng: tweet, ảnh sản phẩm của bạn trên Instagram, cập nhật trạng thái Facebook, bài đăng blog trên LinkedIn,…
Và để có thể cải thiện đáng kể khả năng hiển thị nội dung của bạn trên các phương tiện Social Media, bạn nhất định phải tiến hành nghiên cứu từ khóa.
Cho dù đối tượng mục tiêu của bạn là trên Instagram, Facebook, YouTube hay bất kỳ nền tảng nào khác, hãy xác định những từ khóa mà đối tượng của bạn sử dụng để tìm kiếm nội dung yêu thích của họ trên mạng xã hội. Nó sẽ cho phép bạn khám phá mong muốn và nhu cầu của khách hàng.
Ngoài ra, để những nội dung của bạn tiếp cận thêm nhiều đối tượng mới, bạn có thể áp dụng một trong các cách dưới đây:
- Tổ chức giveaway ấn tượng trên Social Media;
- Sử dụng hashtag: Đặc biệt phù hợp với những nền tảng có số lượng # lớn như Instagram và Twitter;
- Sử dụng Photofun để cá nhân hóa người dùng,…
Thương hiệu sơn móng tay Essie là một ví dụ tuyệt vời về cách quảng cáo sản phẩm của bạn trên các phương tiện Social Media mà không cần tung ra sản phẩm mới hoặc thu thập dữ liệu. Công ty khuyến khích khách hàng của mình chia sẻ ảnh chụp của họ và gắn thẻ hashtag bắt đầu bằng #essielove. Kết quả là số lượng người theo dõi của Essie đã tăng thêm hàng trăm ngàn người nhờ vào hàng tấn nội dung do người dùng tạo miễn phí.
Tham khảo bài: Cách xây dựng chiến lược Content Social
Bước 6: Quảng cáo các bài đăng trên Social Media
Để tận dụng tối đa phương tiện Social Media của bạn, hãy làm theo quy tắc 80/20, nghĩa là dành 20% thời gian của bạn để tạo nội dung và 80% thời gian còn lại để quảng bá nội dung đó.
Nếu bạn tạo nội dung unique, sáng tạo ngay từ đầu thì việc thúc đẩy tương tác sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, nếu chất lượng nội dung không thực sự mới mẻ so với đối thủ cạnh tranh, trước hết, nội dung của bạn phải cung cấp chính xác những gì khách hàng của bạn đang tìm kiếm. Và sau đó, bạn có thể tăng mức độ tương tác và khả năng hiển thị bằng cách chạy quảng cáo.
Gợi ý: Khi chạy quảng cáo, hãy tạo các phiên bản quảng cáo khác nhau với thông điệp khác nhau để đảm bảo lượng tương tác nhiều nhất và tốt nhất.
Bước 7: Đo lường kết quả và điều chỉnh kế hoạch
Một số chỉ số Social Media mà bạn có thể sử dụng để đo lường mục tiêu gồm có:
- Tỷ lệ tương tác trung bình: Cho biết cách người dùng tương tác (Like, Share, Comment) với các chiến dịch của bạn;
- Tỷ lệ khuếch đại: Cho biết cách những người theo dõi chia sẻ nội dung của bạn với những người khác;
- Tỷ lệ lan truyền: Cho biết nội dung nào của bạn có khả năng lan truyền;
- Tỷ lệ tiếp cận bài đăng: Cho biết có bao nhiêu người đã xem bài đăng của bạn kể từ khi nó được xuất bản;
- Tỷ lệ tăng trưởng đối tượng: Cho biết tốc độ phát triển trang của bạn về số lượng người theo dõi;
- Chia sẻ giọng nói trên mạng xã hội (SSoV): Cho biết số lần mọi người đề cập đến thương hiệu của bạn so với các đối thủ cạnh tranh;
- Tỷ lệ chuyển đổi: Cho biết có bao nhiêu người đã chuyển đổi thành khách hàng sau bài đăng của bạn;
- Tỷ lệ nhấp (CTR): Cho biết số người đã phản ứng với CTA của bạn.
Khi bắt đầu triển khai chiến lược Social Media Marketing và đo lường hiệu suất, bạn có thể thấy rằng một số chiến thuật của mình không hoạt động tốt như dự đoán. Do đó, điều cần thiết là phải phân tích kết quả của bạn thường xuyên để nhanh chóng đưa ra kế hoạch tinh chỉnh chiến lược của bạn.
Chúng tôi hy vọng hướng dẫn này sẽ giúp bạn hiểu được Social Media là gì và cách để tạo ra một chiến lược Social Media Marketing hiệu quả. Vì vậy, ngay từ bây giờ, hãy bắt đầu lên kế hoạch cho chiến dịch tiếp thị truyền thông xã hội để tăng mức độ tương tác cũng như tăng số lượng người theo dõi và thúc đẩy chuyển đổi thôi nào! Nếu thấy nội dung này thật sự hữu ích, hãy chia sẻ nó tới bạn bè của mình nhé. Chúc bạn thành công.