Bất cứ doanh nghiệp nào, dù quy mô lớn hay nhỏ, dù thuộc lĩnh vực kinh doanh hàng hóa dịch vụ hay sản xuất chế biến, để thực hiện và duy trì hoạt động kinh doanh thì đều cần phải có một nguồn lực vô cùng quan trọng. Đó chính là tài chính. Vậy tài chính là gì? Tài chính đóng vai trò gì trong doanh nghiệp cũng như nền kinh tế quốc dân? Cùng tìm hiểu nhé!
Tham khảo: Cách quản lý tài chính cá nhân hiệu quả!
Tài chính là gì?
Trong cuốn “Money, finance and development” (tạm dịch: Tiền, tài chính và sự phát triển) được xuất bản vào năm 1980, tác giả P.J.Drake định nghĩa tài chính như sau:
- Về nghĩa hẹp: Tài chính là sự phản ánh các hoạt động thu-chi tiền tệ của chính phủ
- Về nghĩa rộng: Tài chính là sự phản ánh các khoản vay cũng như các khoản cho vay có ảnh hưởng đến mức cung tiền tệ trên thị trường.
Còn theo quan điểm của trường phái kinh tế học hiện đại, tài chính là biểu thị của vốn dưới dạng tiền tệ, bao gồm các khoản có thể vay mượn hoặc đóng góp.
Như vậy, tổng hợp cả 2 quan điểm trên của P.J.Drake và kinh tế học hiện đại, người ta giải thích khái niệm tài chính là gì như sau:
“Tài chính là hệ thống những mối quan hệ kinh tế phát sinh trong quá trình phân phối của cải xã hội. Chúng được biểu hiện dưới hình thái giá trị nhằm đáp ứng các mục tiêu khác nhau của các chủ thể trong xã hội thông qua việc hình thành và sử dụng các quỹ tiền tệ.”
Trong thực tế, khái niệm tài chính còn được nhắc đến dưới nhiều cái tên khác nhau như: Vốn tiền tệ, tiền vốn, vốn bằng tiền và một số tên gọi khác trong các trường hợp cụ thể.
Ở mỗi chủ thể, khi các quỹ tiền tệ được hình thành thì nguồn tài chính được gọi là nguồn tài chính tập trung, và khi các quỹ tiền tệ được sử dụng thì nguồn tài chính được gọi là nguồn tài chính phân tán. Hay nói cách khác, quá trình hình thành và sử dụng các quỹ tiền tệ cũng chính là quá trình vận động của các nguồn tài chính, ở đó các chủ thể tham gia vào quá trình phân phối các nguồn tài chính thông qua việc thu chi bằng tiền của mình.
Bản chất của tài chính
Để hiểu rõ được bản chất của tài chính, trước hết chúng ta xem xét biểu hiện bên ngoài của nó, từ đó tìm ra những điểm bao trùm mọi quan hệ tài chính.
Theo định nghĩa ở phần trên, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy biểu hiện bên ngoài của tài chính chính là hiện tượng thu vào và chi ra bằng tiền của các chủ thể trong xã hội, biểu thị thông qua 3 mối quan hệ như sau:
1 – Quan hệ tài chính giữa Nhà nước – tổ chức – cá nhân trong xã hội
Đây là mối quan hệ phát sinh khi các cá nhân, nhóm cá nhân hoặc doanh nghiệp,… thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, nộp lệ phí khi sử dụng các hàng hóa/dịch vụ công do Nhà nước đầu tư xây dựng; và ngược lại.
Nhà nước cũng có thể trợ cấp tài chính cho các chủ thể trong xã hội thông qua việc cấp vốn hình thành nên các doanh nghiệp Nhà nước, cấp kinh phí hoạt động cho các tổ chức xã hội và đơn vị hành chính sự nghiệp để các đơn vị này thực hiện những nhiệm vụ mà Nhà nước giao, tung ra các gói kích cầu dành cho các chủ thể kinh doanh, hay trợ cấp tài chính hàng tháng cho những đối tượng đặc biệt.
2 – Quan hệ tài chính giữa các cá nhân và tổ chức trong xã hội
Đây là mối quan hệ tài chính có quy mô đa dạng và phức tạp nhất, bao gồm:
- Quan hệ tài chính giữa các tổ chức kinh tế với nhau & với các tầng lớp dân cư, các tổ chức xã hội. Ví dụ: Thanh toán tiền lương, thanh toán tiền mua bán hàng hóa dịch vụ,…
- Quan hệ tài chính giữa các chủ thể kinh doanh hoặc các doanh nghiệp với các cá nhân, các tổ chức tài chính trung gian như tổ chức tín dụng, quý tín dụng, ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty bảo hiểm,… Đây là mối quan hệ phát sinh khi các chủ thể trên huy động hoặc đầu tư vốn trên thị trường tài chính. Ví dụ: Doanh nghiệp vay vốn của ngân hàng, hoặc phát hành cổ phiếu,…
- Quan hệ tài chính giữa các tổ chức tài chính trung gian với nhau và với các tầng lớp dân cư. Ví dụ: ngân hàng nhận tiền gửi của người dân, cho người dân vay vốn mua nhà trả góp,….
- Quan hệ tài chính giữa các cá nhân, các hộ gia đình với nhau.
3 – Quan hệ tài chính trong nội bộ chủ thể (một ngân hàng thương mại, một doanh nghiệp, một hộ gia đình,…)
Ví dụ như quan hệ phân phối lợi nhuận cho các cổ đông trong doanh nghiệp
Ngoài ra, trong thời kỳ mở cửa hội nhập quốc tế, chúng ta còn phải kể đến một loại mối quan hệ tài chính nữa, đó chính là mối quan hệ giữa quốc gia này với quốc gia khác hoặc với các tổ chức quốc tế. Ví dụ như quan hệ vay nợ, viện trợ giữa Chính phủ của một nước với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế hoặc tổ chức Phi Chính phủ,…
Qua việc xem xét các mối quan hệ tài chính nêu trên, có thể xác định bản chất của tài chính trên 3 khía cạnh sau:
- Tài chính là các mối quan hệ kinh tế, nhưng không phải mọi quan hệ kinh tế đều thuộc phạm trù tài chính. Tài chính chỉ bao gồm những mối quan hệ phân phối dựa trên hình thái giá trị;
- Tài chính phát sinh đồng thời trong quá trình hình thành và sử dụng các quỹ tiền tệ. Đây là đặc trưng quan trọng của tài chính;
- Tài chính là các mối quan hệ kinh tế chịu sự tác động trực tiếp của Nhà nước, của pháp luật.
3. Vai trò của tài chính là gì?
Tài chính thể hiện 2 vai trò cơ bản dưới dạng:
- Là công cụ phân phối tổng sản phẩm quốc dân: Thông qua hai quá trình phân phối là phân phối lần đầu và phân phối lại, tài chính hình thành nên quỹ tiền tệ giúp các chủ thể thực hiện mục tiêu của mình.
- Là công cụ được Nhà nước sử dụng để điều tiết nền kinh tế vĩ mô.
4. Chức năng của tài chính
Trong đời sống xã hội, tài chính có 2 chức năng là phân phối và giám đốc.
1. Chức năng phân phối
Thông qua chức năng phân phối của tài chính, các bộ phận của cải trong xã hội sẽ được phân phối vào các quỹ tiền tệ khác nhau và sử dụng để phục vụ cho các mục đích khác nhau, đảm bảo những nhu cầu cũng như lợi ích khác nhau của xã hội.
Xét về mặt nội dung, nguồn tài chính hay đối tượng phân phối được nhắc đến ở đây bao gồm:
- Của cải xã hội mới tạo ra trong năm (tổng sản phẩm quốc nội – GDP);
- Của cải xã hội được tích lũy trong quá khứ;
- Của cải xã hội chuyển ra nước ngoài và của cải chuyển từ nước ngoài vào;
- Nguồn tài nguyên quốc gia có thể cho thuê hoặc nhượng bán có thời hạn.
Xét về hình thức biểu hiện, nguồn tài chính tồn tại ở 2 dạng: hữu hình hoặc vô hình. Trong đó:
- Nguồn tài chính hữu hình là những sản phẩm được biểu hiện dưới hình thức hiện vật. Ví dụ như tiền nội tệ, ngoại tệ, đất đai, bất động sản,…
- Nguồn tài chính vô hình là những sản phẩm không có hình thái vật chất. Ví dụ như hình ảnh, thông tin, sáng chế, phát minh, bí quyết kỹ thuật…Bản thân tất cả những sản phẩm kể trên đều có giá trị, và chúng đều có thể chuyển thành tiền qua mua bán. Do đó, chúng cũng được coi là một trong các nguồn tài chính trong xã hội.
Chủ thể phân phối ở đây có thể là Nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, hộ gia đình hoặc một cá nhân bất kỳ. Những chủ thể có thể xuất hiện thông qua một trong các tư cách sau:
- Người có quyền sở hữu: Đây là những người chủ đích thực của dòng vốn tiền tệ. Họ có quyền phân phối và sử dụng dòng vốn này theo ý muốn của mình.
- Người có quyền sử dụng: Những người này không có quyền sở hữu dòng vốn tiền tệ, nhưng họ được quyền sử dụng dòng vốn đó theo ý muốn. Nói khác đi thì chủ thể ở đây là những người đi vay, và họ được phép phân phối hay sử dụng số vốn đi vay đó để phục vụ mục đích cá nhân.
- Người có quyền lực chính trị: Chủ thể ở đây chính là Nhà nước. Mặc dù Nhà nước không xuất hiện với tư cách là người có quyền sở hữu hay người có quyền sử dụng các nguồn tài chính, nhưng nhờ vào quyền lực chính trị của mình, Nhà nước vẫn có thể tập trung các nguồn tài chính từ các cá nhân và tổ chức thông qua một loạt các quy định pháp luật như thuế, phí, lệ phí,….
- Nhóm thành viên xã hội: Chủ thể muốn nói ở đây bao gồm các tổ chức chính trị, các hội, nghiệp đoàn,…
2. Chức năng giám đốc
Chức năng giám đốc tài chính được các chủ thể thực hiện thông qua việc đánh giá, phân tích các chỉ tiêu liên quan đến tài chính như: Cơ cấu tài chính, hệ số an toàn vốn, hệ số nợ, khả năng thanh toán, khả năng sinh lời, khả năng tự tài trợ,…Qua đó giúp họ điều chỉnh kịp thời quá trình phân phối. Nói cách khác, chức năng giám đốc tài chính phản ánh khả năng tự kiểm tra, giám sát của mỗi chủ thể trong xã hội để đạt tới mục tiêu đề ra.
Quá trình vận động của các nguồn tài chính được diễn ra một cách thường xuyên, liên tục, do đó hoạt động giám đốc tài chính cũng diễn ra thường xuyên, liên tục. Chính nhờ vào đặc điểm này mà chức năng giám đốc của tài chính luôn đem lại hiệu quả và có tác dụng rất kịp thời.
Lịch sử phát triển kinh tế – xã hội cho thấy tài chính ngày càng giữ vị trí và vai trò quan trọng trong trật tự kinh tế quốc gia và toàn thế giới. Tài chính trở thành những dòng huyết mạch gắn kết và thúc đẩy sự phát triển mọi lĩnh vực của đời sống. Đọc đến đây, bạn đã hiểu tài chính là gì, cúng như vai trò và các chức năng của tài chính rồi chứ? Nếu còn thắc mắc nào liên quan đến tài chính, hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ giải đáp cho bạn sớm nhất có thể.
Tham khảo: Các kênh đầu tư tài chính