Đại dịch COVID-19 và khủng hoảng xăng dầu do Liên bang Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina vào đầu năm 2022 khiến lạm phát dần trở thành mối quan tâm, lo lắng hàng đầu của tất cả người dân trên khắp thế giới ở thời điểm hiện tại. Giá xăng dầu tăng cao khiến giá lương thực thực phẩm cũng như mọi chi phí sinh hoạt khác đều trên đà tăng giá. Vậy bản chất của lạm phát là gì? Tại sao lại xảy ra lạm phát? Lạm phát ảnh hưởng như thế nào tới nền kinh tế toàn cầu?
Lạm phát là gì?
Cho đến nay, có rất nhiều quan điểm khác nhau xoay quanh vấn đề lạm phát. Nhưng chung quy lại có thể hiểu lạm phát là hiện tượng phát hành tiền vào lưu thông quá lớn, vượt qua số lượng tiền cần thiết trong lưu thông, làm cho sức mua của đồng tiền giảm sút và không phù hợp với giá trị danh nghĩa mà nó đại diện.
Dựa trên dấu hiệu biểu hiện cũng như nguyên nhân chính của lạm phát, người ta đề cập đến các quan điểm phổ biến về lạm phát như sau:
- Lạm phát giá cả
Theo quan điểm này thì lạm phát là sự tăng mức giá chung của hàng hoá, dịch vụ. Khi đó, giá cả không phản ánh đúng giá trị của hàng hóa, hay nói khác đi là giá cả cao hơn giá trị thực của hàng hoá. Điều đó có nghĩa là sức mua của đồng tiền bị giảm sút.
Ví dụ, trước đây 1$ bạn có thể mua được một ly cafe, nhưng bây giờ bạn phải trả đến 1.85$ cho một ly cafe như vậy.
- Lạm phát nhu cầu (hay còn gọi là lạm phát cầu kéo).
Loại lạm phát này xảy ra khi tình hình tăng trưởng kinh tế không tương xứng làm tăng tổng cầu tiền, từ đó dẫn đến tăng tổng cung tiền.
Lạm phát nhu cầu có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, tuy nhiên hai nguyên nhân chủ yếu là tăng cầu tiền do thâm hụt ngân sách, hoặc tăng cầu tiền do chênh lệch nhu cầu về hàng hóa.
- Lạm phát lưu thông tiền tệ
Theo quan điểm này thì lạm phát là kết quả của việc gia tăng khối lượng tiền trong lưu thông với một tỷ lệ quá cao.
- Lạm phát chi phí (hay còn gọi là lạm phát chi phí đẩy)
Theo quan điểm này thì lạm phát xảy ra do chi phí tăng, trong khi khối lượng sản phẩm sản xuất không tăng hoặc tăng không đáng kể. Chi phí sản xuất tăng lên kéo theo mức cung tiền vượt quá cầu tiền, sau đó dẫn đến lạm phát.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến lạm phát phí đẩy như: Tăng lương vượt quá mức tăng năng suất lao động; sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước và vốn tín dụng kém hiệu quả; hoặc do nguyên liệu đầu vào của một số sản phẩm thiết yếu tăng lên; sự lãng phí quá mức trong tiêu dùng; nghiệp vụ chiết khấu và tái chiết khấu bị lạm dụng,…
Có 3 mức độ lạm phát là:
- Lạm phát vừa phải: Đây là lạm phát mà tỷ lệ tăng giá của hàng hóa trong khoảng dưới 10%/năm, còn gọi là lạm phát 1 con số. Trong thời kỳ xảy ra lạm phát vừa phải, giá cả hàng hóa dịch vụ tăng nhẹ nên giá trị tiền tệ tương đối ổn định. Điều này không chỉ tạo môi trường thuận lợi cho các chủ thể kinh doanh mà còn thúc đẩy nền kinh tế của toàn xã hội. Chính vì thế, trong quá trình xây dựng chiến lược quản lý nền kinh tế vĩ mô, các nhà hoạch định chính sách luôn tìm cách định hướng chỉ số lạm phát nằm trong ngưỡng không quá 10%;
- Lạm phát phi mã: Đây là loại lạm phát xảy ra khi giá cả hàng hóa tăng mạnh với tỷ lệ 2 hoặc 3 con số (tối đa là 200%). Trong thời kỳ xảy ra lạm phát phi mã, nền sản xuất sẽ không phát triển, đồng thời toàn bộ hệ thống tài chính của quốc gia đó cũng sẽ bị hủy hoại nghiêm trọng. Trong quá khứ, các quốc gia Mỹ La tinh đã phải hứng chịu mức lạm phát từ 20 đến 200% trong suốt thời kỳ từ 1980 đến 1999. Việt Nam cũng từng trải qua mức lạm phát hai con số vào những năm 1976 đến 1994;
- Siêu lạm phát: Đây là loại lạm phát mà giá cả hàng hóa tăng với tỷ lệ trên 200%. Siêu lạm phát luôn đi kèm với tình trạng suy thoái nền kinh tế, thậm chí nó có thể phá hủy toàn bộ nền kinh tế của một quốc gia. Ví dụ điển hình về hiện tượng siêu lạm phát là lạm phát ở Đức vào những năm 1922-1924, hay lạm phát ở Nga sau cuộc cách mạng tháng 10, lạm phát ở Mỹ thời kỳ nội chiến hay ở Zimbabwe với tốc độ lạm phát tại thời điểm tháng 7/2008 là 2.200.000%. Việt Nam cũng đã trải qua thời kỳ siêu lạm phát trong những năm 1986-1987, trong đó mức độ lạm phát đỉnh điểm là 776% vào năm 1987.
Tìm hiểu: Tài chính là gì?
Nguyên nhân lạm phát
Khi xem xét nguyên nhân dẫn đến lạm phát, các nhà hoạch định kinh tế thường chia thành 4 nhóm nguyên nhân cơ bản sau:
1. Chính sách của Nhà nước
Lạm phát do nhóm nguyên nhân này thường xảy ra khi Chính phủ thực hiện một vài thay đổi liên quan đến chính sách tài chính – tiền tệ như chính sách giá cả, chính sách tỷ giá, chính sách thu chi ngân sách nhà nước, chính sách tiền tệ,… làm cho giá ngoại tệ tăng lên hoặc làm cho khối lượng tiền tệ trong lưu thông bị biến động.
Nhìn chung, những quyết định thay đổi kể trên của Chính phủ đều nhằm mục đích điều tiết nền kinh tế vĩ mô theo hướng có lợi. Nhưng đôi khi do không lường trước và kiểm soát được những biến động thực tế nên mới gây ra tình trạng lạm phát.
Trong một số trường hợp, việc Chính phủ thay đổi chính sách thu chi NSNN đã trực tiếp gây ra tình trạng bội chi ngân sách. Và phương án được chọn để giải quyết tình trạng này là phát hành tiền mặt để bù đắp. Tuy nhiên, do lượng tiền phát hành trong lưu thông vượt quá lượng tiền cần thiết nên lạm phát mới xảy ra.
Một trường hợp khác là việc Ngân hàng trung ương (NHTW) ra quyết định giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Điều này làm gia tăng khối lượng tiền cung ứng cho nền kinh tế. Nếu lượng tiền này gia tăng quá lớn, vượt quá nhu cầu của nền kinh tế thì chắc chắn sẽ dẫn đến lạm phát.
2. Do chủ thể kinh doanh
Do khả năng quản lý và điều hành hoạt động kinh doanh còn yếu kém, nên các cơ sở kinh doanh có thể gián tiếp làm tăng giá cả của các yếu tố đầu vào thuộc quá trình sản xuất. Khi giá cả của các yếu tố đầu vào tăng lên, đặc biệt là giá các loại nguyên-nhiên-vật liệu cơ bản phục vụ nền sản xuất như xăng, dầu, sắt, thép, xi-măng…gia tăng sẽ đội giá thành sản phẩm và làm cho giá bán tăng lên.
Giá bán của các các sản phẩm hàng tiêu dùng thiết yếu tăng lên sẽ gây ra hiệu ứng tăng giá trên diện rộng. Lúc này, nền kinh tế chắc chắn sẽ rơi vào tình trạng lạm phát. Trong trường hợp này, khi giá cả đầu ra của hàng hóa tăng lên trên diện rộng sẽ tác động ngược trở lại đối với giá cả các yếu tố đầu vào. Như vậy quá trình này cứ tiếp diễn và gây ra vòng xoáy lạm phát. Phần lớn các thời kỳ lạm phát ở mức độ cao đều bắt nguồn từ nhóm nguyên nhân này.
3. Lạm phát liên quan đến điều kiện tự nhiên
Khi xảy ra những rủi ro khách quan do điều kiện tự nhiên gây ra như hạn hán, dịch bệnh, lũ lụt, động đất, núi lửa,…trên diện rộng, chúng thường để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với nền kinh tế – xã hội. Và để khắc phục hậu quả thì Nhà nước cần chi một lượng tiền không nhỏ vào lưu thông. Bên cạnh đó, tình trạng đứt gãy nguồn cung và khan hiếm hàng hóa cục bộ cũng là một hiện tượng tất yếu xảy ra sau thời kỳ thiên tai, dịch bệnh.
Lúc này, nếu Chính phủ không nhanh chóng đưa ra kế sách khắc phục những rủi ro này một cách phù hợp thì chính những hiện tượng này sẽ trở thành nguyên nhân đẩy khu vực đó và toàn bộ nền kinh tế rơi vào lạm phát. Tuy nhiên, lạm phát bắt nguồn từ nhóm nguyên nhân này thường chỉ xảy ra ở những quốc gia có nền kinh tế yếu kém.
4. Nhóm nguyên nhân khác
Ngoài những nhóm nguyên nhân kể trên, lạm phát còn có thể xảy ra bởi một số nguyên nhân khác như: Bất ổn chính trị, chiến tranh, khủng hoảng tài chính tiền tệ,…
Thông thường, việc xảy ra lạm phát không thể chỉ bắt nguồn từ một hoặc một nhóm nguyên nhân, mà đó là kết quả của nhiều nhóm nguyên nhân nêu trên.
Ảnh hưởng của lạm phát tới nền kinh tế
1. Ảnh hưởng tích cực
Như đã đề cập ở phần 1, nếu lạm phát ở mức độ vừa phải, tức là lạm phát 1 con số thì nó sẽ có tác dụng kích thích nền kinh tế – xã hội phát triển. Thậm chí nhiều quốc gia còn coi đây là một chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Khi Chính phủ tăng mức cung tiền tệ ở ngưỡng hợp lý thì sẽ có tác dụng kích thích nền sản xuất trong nước phát triển, từ đó giảm tình trạng thất nghiệp. Tuy nhiên, khi đó giá cả sẽ có xu hướng tăng và giá trị của đồng nội tệ cũng sẽ bị mất giá nhẹ so với đồng ngoại tệ. Nhưng bù lại, việc này sẽ kích thích hoạt động xuất khẩu, hạn chế hoạt động nhập khẩu,…
2. Ảnh hưởng tiêu cực
Nếu lạm phát ở mức độ cao và quá cao, tức là lạm phát phi mã và siêu lạm phát, thì lại có ảnh hưởng rất xấu đến tất cả lĩnh vực của nền kinh tế. Cụ thể:
- Đối với lĩnh vực sản xuất
Lạm phát làm cho giá cả của vật tư, nguyên liệu, hàng hóa tăng nhanh khiến cho lợi nhuận mà chủ doanh nghiệp nhận được ngày càng giảm sút. Thậm chí doanh thu của ngày hôm nay chưa chắc đã đủ để bù đắp chi phí kinh doanh của ngày hôm sau. Từ đó quy mô sản xuất ngày càng bị thu hẹp, gây nên tình trạng mất cân đối giữa các ngành sản xuất. Nếu tình trạng này diễn ra trong thời gian dài mà không thể gượng dậy nền sản xuất sẽ khiến các nhà đầu tư có ý định rút vốn ra khỏi ngành sản xuất và chuyển hướng đầu tư vào những hàng hóa giữ được giá trị như vàng, ngoại tệ,…. nhằm bảo toàn vốn.
- Đối với lĩnh vực lưu thông hàng hoá
Lạm phát làm rối loạn quá trình lưu thông hàng hoá, kích thích tâm lý đầu cơ tích trữ, tạo nên nhu cầu giả tạo và gia tăng sự mất cân đối giữa cung – cầu. Trong bối cảnh quy mô sản xuất ngày càng thu hẹp, nhu cầu đầu cơ tích trữ của người dân tăng lên. Điều này khiến cho giá cả hàng hóa dịch vụ ngày càng leo thang, nghĩa là lạm phát ngày càng kéo dài.
- Đối với lĩnh vực tiền tệ tín dụng
Lạm phát phá vỡ toàn bộ chức năng của tiền tệ và làm cho sức mua của đồng tiền giảm sút một cách nhanh chóng. Dân chúng ngày càng mất lòng tin vào đồng tiền nội tệ và không muốn nắm giữ đồng tiền đó nữa.
Khi đó, họ có xu hướng rút tiền gửi tiết kiệm khỏi ngân hàng thương mại để chuyển sang những hàng hóa an toàn, giữ được giá trị như vàng hay ngoại tệ,… Điều này khiến hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng rơi vào tình trạng khủng hoảng, ảnh hưởng lớn tới vai trò điều hoà – lưu thông tiền tệ của ngân hàng trung ương.
- Đối với lĩnh vực tài chính công
Lạm phát là nguyên nhân khiến cho nguồn thu ngân sách nhà nước ngày càng bị thu hẹp, giảm sút cả về số lượng lẫn giá trị thực tế, trong khi chi tiêu Chính phủ thì ngày càng gia tăng. Điều này khiến cho tình trạng bội chi ngân sách ngày càng gia tăng.
- Đối với đời sống của người dân
Lạm phát làm cho đời sống của người dân ngày càng trở nên khó khăn do tiền lương trên danh nghĩa không đủ bù đắp cho những nhu cầu tiêu dùng cần thiết. Đồng thời người dân còn phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp ngày càng gia tăng.
Tham khảo:
Như vậy, tùy thuộc vào mức độ của lạm phát mà nó gây ra những ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển kinh tế – xã hội. Việc hiểu được lạm phát là gì và những tác động của lạm phát sẽ chúng ta sẽ có cái nhìn tổng quan hơn về nền kinh tế để từ đó có cách chi tiêu hợp lý và định hướng đầu tư tài chính hiệu quả trong tương lai.