Menu Đóng

SWOT là gì? 5+ bước xây dựng ma trận SWOT chi tiết!

SWOT là công cụ được nhiều cá nhân, doanh nghiệp áp dụng khi lên kế hoạch phát triển trong tương lai. Việc phân tích theo ma trận SWOT giúp bạn tận dụng tối đa thế mạnh, khắc phục điểm yếu và sẵn sàng đương đầu với thách thức cũng như tận dụng tốt cơ hội. Vậy SWOT là gì? Cách xây dựng ma trận SWOT như thế nào?

SWOT là gì?

SWOT được viết tắt từ 4 từ tiếng Anh gồm:

  • Strengths (thế mạnh)
  • Weakness (điểm yếu)
  • Opportunities (cơ hội)
  • Threats (thách thức)

Theo đó, Strengths và Weakness là 2 yếu tố thế mạnh, điểm yếu được phân tích, nhìn nhận từ chính thực trạng hoạt động của doanh nghiệp.

Opportunities và Threats là các yếu tố khách quan, mang tính chất vĩ mô mà doanh nghiệp cần xác định để có phương án phù hợp, tránh rủi ro đồng thời tạo ra sự khác biệt.

Việc sử dụng mô hình SWOT giúp doanh nghiệp có định hướng tốt hơn khi xây dựng các kế hoạch kinh doanh trong tương lai.

Lịch sử của mô hình SWOT

Mô hình SWOT được xuất hiện lần đầu tiên năm 1960, trong một nghiên cứu của Albert Humphrey – đại học Stanford, Hoa Kỳ.

Trong nghiên cứu này, người ta tiến hành thu thập thông tin, dữ liệu của 500 doanh nghiệp thuộc top đầu về mức doanh thu tại Hoa Kỳ thời bấy giờ. Sau đó, những người tham gia dự án bắt đầu phân tích để xác định nguyên nhân thất bại của những kế hoạch mà doanh nghiệp đưa ra.

Thời gian đầu, mô hình có tên là SOFT, là chữ viết tắt của 4 yếu tố cơ bản gồm: Satisfactory (thỏa mãn), Opportunity (cơ hội), Fault (bất lợi của hiện tại), Threat (bất lợi trong tương lai).

Đến năm 1964, Urick và Orr đã hợp tác cùng Albert Humphrey tiếp tục nghiên cứu SOFT và thay thế Fault bằng Weakness. Sau 1 thập kỷ, đến năm 1973, mô hình SWOT được ra đời trên cơ sở mô hình SOFT do J W French áp dụng.

Mô hình SWOT ở giai đoạn này đã tương đối phù hợp với tình hình thực tiễn nên được nhiều doanh nghiệp áp dụng. Nhưng phải đến năm 2004, mô hình SWOT mới thực sự hoàn thiện và trở thành công cụ phân tích đánh giá được áp dụng ở hầu hết các doanh nghiệp. Bởi nhờ chúng, việc xây dựng các kế hoạch, chiến lược kinh doanh được dễ dàng, tiết kiệm được thời gian và đạt được mục tiêu tối ưu. Đồng thời, chúng còn giúp doanh nghiệp tìm ra định hướng phát triển đúng đắn nhất.

Có nên sử dụng phân tích SWOT không?

Để có được câu trả lời cho câu hỏi này, chúng ta có thể điểm qua các ưu – nhược điểm của SWOT:

Ưu điểm của SWOT:

  • Doanh nghiệp có thể tự phân tích SWOT mà không phải tốn bất kỳ chi phí nào.
  • SWOT giúp doanh nghiệp nhanh chóng tìm ra các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức và xây dựng các kế hoạch/chiến lược trong tương lai, cải thiện được hiệu quả kinh doanh cũng như giảm thiểu đáng kể các rủi ro có thể gặp phải.
  • SWOT giúp khởi tạo ra các ý tưởng mới từ những lợi thế cũng như bất lợi tiềm ẩn. Đây cũng là bước chuẩn bị giúp doanh nghiệp phản ứng tốt hơn trong tương lai.

Nhược điểm của SWOT:

  • Nhìn chung, kết quả phân tích SWOT chưa thực sự được đào sâu, chưa đưa ra phản biện cần thiết. Do đó, nếu chỉ dựa SWOT để xây dựng dự án, kế hoạch là chưa đủ. Doanh nghiệp cần phải xem xét thêm các yếu tố về quy mô, mức độ của các rủi ro, đặt các yếu tố này trong mối quan hệ với yếu tố điểm mạnh và điểm yếu của doanh nghiệp để có được một bức tranh toàn cảnh đầy đủ và khách quan.
  • Các kết quả phân tích theo mô hình SWOT còn mang tính chất chủ quan của cá nhân tiến hành phân tích. Bên cạnh đó, một số dữ liệu đầu vào của SWOT đã lỗi thời, chưa thực sự đáp ứng được điều kiện thực tế hiện nay. Chính vì thế, nếu chỉ dựa vào kết quả phân tích SWOT thì vẫn chưa đủ để kết luận một vấn đề cụ thể nào đó.

Cách xây dựng ma trận SWOT

Dưới đây là các bước xây dựng ma trận SWOT giúp bạn dễ dàng tạo lập hệ thống phân tích này:

Bước 1: Tạo lập ma trận SWOT

Trước tiên, bạn vẽ 4 thành tố của SWOT gồm: Strengths (thế mạnh), Weakness (điểm yếu), Opportunities (cơ hội) và Threats (thách thức) vào 4 ô vuông.

Sau đó, bạn tiến hành liệt kê từng yếu tố để có cái nhìn tổng quan nhất và bắt đầu tạo lập chiến lược dựa vào các yếu tố đã xác định.

Khi thực hiện bước này, bạn cần đảm bảo các tiêu chí sau:

  • Phát huy các thế mạnh của doanh nghiệp một cách tối đa;
  • Khắc phục những yếu điểm để hạn chế rủi ro xuống mức thấp nhất. Tuy nhiên, không nhất thiết mọi rủi ro bạn đều phải loại bỏ. Thay vào đó, nhiều trường hợp, bạn có thể kết hợp song song cả ưu điểm và nhược điểm để tạo thành thế mạnh riêng so với các đối thủ khác.
  • Các cơ hội phải được nhận diện kịp thời và nhanh chóng tận dụng.

Bước 2: Tìm ra thế mạnh của doanh nghiệp – Strengths

Việc xác định thế mạnh là cực kỳ quan trọng trong xây dựng chiến lược Marketing. Để làm được điều này, bạn có thể đặc ra các câu hỏi liên quan đến doanh nghiệp của mình như:

  • Khách hàng ấn tượng điều gì của doanh nghiệp mình?
  • Doanh nghiệp của mình có sự khác biệt như thế nào so với đối thủ?
  • Tính độc đáo của thương hiệu là gì? Vì sao khách hàng lựa chọn thương hiệu của mình mà không phải của đối thủ?
  • Lợi thế nào của doanh nghiệp mình mà đối thủ không có được?

Các câu hỏi trên bạn có thể tìm được câu trả lời bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, khảo sát khách hàng cũng hoặc liệt kê những điểm khác biệt của doanh nghiệp Unique Selling Proposition (USP) là những hình thức bạn nên áp dụng.

Bước 3: Nhận diện điểm yếu – Weakness

Yếu điểm là vấn đề mà bất kỳ cá nhân, hay tổ chức nào cũng có. Chỉ khi thẳng thắn nhìn nhận được vấn đề này, doanh nghiệp mới có thể hoạch định được kế hoạch tiến đến mục tiêu một cách nhanh chóng nhất.

Bước 4: Nhận diện cơ hội – Opportunities

Cơ hội là yếu tố khách quan, nó có thể được tạo ra bởi doanh nghiệp hoặc đến từ các tác nhân bên ngoài. Khả năng nhận diện cơ hội ảnh hưởng rất nhiều đến con đường thành công của doanh nghiệp vì thế hãy đầu tư nghiên cứu, làm khảo sát để có những dữ liệu khách quan, chính xác.

Bước 5: Nhận biết rủi ro – Threats

Không phải mọi rủi ro đều xấu, trên thực tế khi kiểm soát được rủi ro, bạn sẽ biến chúng thành những cơ hội lớn để doanh nghiệp trở mình. Vì thế, doanh nghiệp phải nâng cao khả năng nhận biết rủi ro để loại bỏ chúng hoặc chuyển hóa yếu tố này thành cơ hội phát triển của doanh nghiệp.

Loan hy vọng sau khi hiểu được SWOT là gì, cách xây dựng ma trận SWOT như thế nào, bạn sẽ áp dụng hiệu quả vào phân tích thực trạng và tìm hướng phát triển cho doanh nghiệp. Bạn cũng có thể áp dụng SWOT để phân tích, định hướng sự nghiệp của chính bản thân mình. Chỉ cần đảm bảo tính khách quan và liên tục đào sâu phân tích để tìm ra vấn đề cốt lõi.

Tham khảo:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *