Menu Đóng

Bánh xe cuộc đời là gì? Cách xây dựng bánh xe cuộc đời!

Bạn biết đấy, luôn có điều gì đó thu hút sự chú ý của chúng ta như: Công việc, con cái, mạng xã hội, các mối quan hệ, nhu cầu giải trí, đam mê, sở thích,… Đã có lúc việc quá tập trung vào một khía cạnh khiến chúng ta mất cân bằng, thậm chí mệt mỏi, chúng ta lại bỏ qua những điều quan trọng và dành thời gian vào những việc không thực sự có ý nghĩa. Lúc này, bánh xe cuộc đời sẽ giúp bạn ý thức được mình đang mất cân bằng ở khía cạnh nào và nhắc nhớ mình phải quay về trạng thái cân thằng cần thiết. Vậy bánh xe cuộc đời là gì và cách cân bằng để tiến xa hơn, hạnh phúc hơn như thế nào? Hãy cùng Loan tìm hiểu nhé!

Bánh xe cuộc đời là gì?

Bánh xe cuộc đời (Wheel of Life) hay bánh xe cuộc sống là một vòng tròn được chia thành nhiều góc phần tư khác nhau giống như bánh xe. Những góc phần tư này khác nhau ở mỗi người tùy thuộc vào mục tiêu sống và phát triển, nhưng về cơ bản nó sẽ bao gồm:

  • Sức khoẻ
  • Công việc, sự nghiệp
  • Phát triển bản thân
  • Tài chính
  • Hạnh phúc
  • Mối quan hệ
  • Giải trí, tận hưởng cuộc sống
  • Đóng góp cho xã hội

Để biết tình trạng hiện tại của mình, bạn sẽ tiến hành chấm điểm từ 1 -10 cho các khía cạnh của bánh xe cuộc sống. Sau đó, bạn nối các điểm lại với nhau để có một bức tranh tổng thể về mức độ cân bằng của của cuộc sống hiện tại.

Trong đó, điểm 1 là điểm gần tâm của bánh xe nhất và điểm 10 nằm ở phần ngoài cùng của vòng tròn.

→ Những điều bạn cần biết về: Sự lựa chọn

Cách xây dựng và hoàn thiện bánh xe cuộc đời của bạn

Dưới đây là 4 bước giúp bạn xây dựng và hoàn thiện bánh xe cuộc đời:

Bước 1: Xác định các yếu tố của bánh xe cuộc đời

Để xây dựng bánh xe cuộc đời của mình, đầu tiên bạn sẽ tiền hành vẽ 1 vòng tròn và chia thành các ô bằng nhau. Ở mỗi ô nhập các khía cạnh của cuộc sống lý tưởng như: Sức khoẻ, công việc, sự nghiệp, tài chính, mối quan hệ, tình cảm, hạnh phúc, phát triển bản thân, đóng góp cho xã hội.

Hãy lưu ý, không phải tất cả bánh xe cuộc sống của mọi người là giống nhau. Bạn cần tự mình xác định đâu là những yếu tố quan trọng tạo nên cuộc sống của bạn, có ảnh hưởng tới bạn nhiều nhất ở thời điểm xây dựng wheel of life.

Bước 2: Đánh giá mức độ thực hiện của các yếu tố

Tiếp theo, bạn tiến hành đánh giá mức độ đạt được của mỗi phần trong bánh xe cuộc đời bằng cách chấm điểm từ 1-10, bạn có thể tham khảo một số gợi ý sau:

1. Sức khỏe

Trong danh mục này, bạn cần đánh giá mức độ khỏe mạnh về thể chất và tinh thần của mình qua những câu hỏi như:

  • Tôi đang cảm thấy thế nào?
  • Tôi có tập thể dục thường xuyên không?
  • Chế độ ăn uống của tôi như thế nào?
  • Khi thực hiện lối sống lành mạnh, sức khoẻ của tôi thay đổi ra sao?

2. Công việc, sự nghiệp

Trong danh mục này, bạn sẽ bắt đầu suy nghĩ về công việc hiện tại bạn đang làm và đánh giá mức độ hài lòng của bạn với công việc đó:

  • Bạn có hạnh phúc ở nơi bạn đang làm không?
  • Bạn có muốn làm một công việc khác không?
  • Con đường sự nghiệp bạn đang đi có mang lại hạnh phúc cho bạn không?
  • Công việc hiện tại có có thể đáp ứng được những nhu cầu mong muốn của bạn không?

3. Phát triển bản thân

Trong danh mục này trên bánh xe cuộc sống, hãy xem xét cách bạn đang đầu tư vào sự phát triển cá nhân của mình và trả lời câu hỏi:

  • Bạn có đang theo đuổi những cơ hội mở ra cho bạn những trải nghiệm mới không?
  • Bạn có ham học hỏi những điều mới?
  • Bạn đang làm gì để thay đổi và phát triển thành người mà bạn hy vọng sẽ trở thành một ngày nào đó?

Khoá học Online miễn phí

4. Tài chính

Danh mục tài chính khuyến khích bạn phản ánh xem liệu thu nhập hiện tại có hỗ trợ các nhu cầu cơ bản của bạn hay không, cũng như chất lượng cuộc sống mà bạn hy vọng sẽ đạt được, cụ thể:

Bạn có hài lòng với mức tăng thu nhập của mình trong 5 năm tới không? Hay bạn sẽ phải thay đổi?

Mặc dù tiền không phải là thứ duy nhất ảnh hưởng đến hạnh phúc của chúng ta, nhưng nó chắc chắn là một trong những yếu tố quan trọng.

→ Tham khảo: 7+ kênh đầu tư tài chính sinh lời tốt nhất!

5. Tận hưởng cuộc sống

Ở đây, hãy suy nghĩ về những loại hoạt động bạn tham gia để mang lại cho bản thân sự hài lòng và cảm giác tận hưởng cuộc sống. Cho dù đó là thể thao, đọc, viết hay bất kỳ sở thích nào khác không thực sự quan trọng.

Điều quan trọng là bạn đang tham gia vào một số việc mang lại hạnh phúc cho bạn một cách thường xuyên.

Chỉ làm việc mà không giải trí sẽ khiến một ngày thật buồn tẻ, nó dẫn đến một cuộc sống nhạt nhẽo và không mang lại cảm giác thỏa mãn.

6. Hạnh phúc

Bây giờ bạn sẽ tự hỏi mình một vài câu hỏi về một mối quan hệ cụ thể, đó là mối quan hệ tình cảm với người yêu hoặc với  vợ/chồng. Trong bánh xe cuộc đời, đây là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất của chúng ta.

Một số câu hỏi quan trọng mà bạn có thể tự hỏi ở đây là:

  • Liệu bạn đã có một “đối tác” phù hợp và có thể cùng bạn xây dựng một mối quan hệ tuyệt vời không?
  • Các bạn có đang hỗ trợ sự phát triển của nhau không?
  • Các giá trị của bạn có phù hợp với đối phương không?
  • Các bạn có thể làm cho nhau cười không?

Rất hiếm khi chúng ta tìm thấy tất cả những thứ điều ở một người khác, vì vậy nếu bạn tìm thấy ai đó có thể giúp bạn trả lời “có” cho những câu hỏi trên này, có thể bạn đã tìm thấy một người đặc biệt đáng để giữ bên cạnh.

7. Các mối quan hệ

Bây giờ bạn sẽ đánh giá mối quan hệ của mình với những người khác, bao gồm cả gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, đối tác. Khi làm điều này, hãy tự hỏi bản thân liệu:

  • Bạn có cảm thấy những mối quan hệ này được xây dựng trên một nền tảng tốt hay không?
  • Bạn có tin tưởng đối phương không?
  • Các bạn có hỗ trợ nhau không?
  • Bạn có thể xây dựng mối quan hệ hiện đang được thiết lập theo hướng tích cực không?
  • Những mối quan hệ này có ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống hàng ngày của bạn không?

8. Đóng góp xã hội

Ở phần này, bạn cần suy ngẫm về những gì bạn đang trao lại cho người khác:

  • Bạn đang trả ơn cho những người xung quanh bạn hoặc cộng đồng mà bạn đang sống như thế nào?
  • Bạn có tình nguyện không?
  • Bạn có giúp đỡ các câu lạc bộ hoặc thể thao địa phương không?
  • Bạn có tham gia vào các vấn đề chính trị để làm cho cộng đồng của bạn trở thành một nơi lành mạnh và an toàn hơn cho mọi người không?

Sau khi lần lượt trả lời được những câu hỏi trên, cũng là lúc bánh xe cuộc sống của bạn đang dần hình thành. Lúc này, bạn hãy dành thời gian xem xét, suy ngẫm xem mình đang quá tập trung vào phần nào trong cuộc sống? Còn phần nào đang bị “bỏ ngỏ” chưa được quan tâm? Để từ đó tìm cách khắc phục, thay đổi và tiến bộ hơn mỗi ngày.

→ Tham khảo: Cách quản lý thời gian hiệu quả!

Bước 2: Xác định những phần còn thiếu sót, cần tập trung phát triển

Ví dụ, sau khi tính điểm cho các yếu tố, bạn nhận thấy phần sức khoẻ và phát triển bản thân còn yếu, chúng ta sẽ tìm cách cải thiện và nâng số điểm của 2 danh mục này lên. Việc thay đổi như thế nào, chúng ta sẽ đề cập ở phần thực hành cuối bài viết này nhé.

Bước 3: Tiến hành thay đổi và kiên trì thực hiện

Với những điều quan trọng, đôi khi chúng ta sẽ mất khá nhiều thời gian để thiết lập và duy trì trước khi thấy hiệu quả mà nó mang lại. Do vậy, khi đã xác định được những việc cần thực hiện để cân bằng bánh xe cuộc đời, hãy kiên trì thực hiện và đừng vội bỏ cuộc nếu gặp khó khăn.

Bước 4: Định kỳ vẽ lại bánh xe cuộc đời để đánh giá và hoàn thiện hơn nữa

Hàng tháng, hàng quý, hàng năm,…bạn nên định kỳ xem xét, đánh giá lại mức độ cân bằng của bánh xe cuộc đời để tiếp tục có kế hoạch thay đổi nếu thấy cần thiết.

Thực hành cân bằng bánh xe cuộc đời

Sau đây là một số gợi ý cho bạn khi bắt tay vào thực hành cân bằng bánh xe cuộc đời:

  • Sức khoẻ: Tập thể dục thường xuyên, hình thành thói quen lành mạnh trong ăn uống, sinh hoạt, đi ngủ đúng giờ, sử dụng những thực phẩm sạch, thực phẩm hỗ trợ tăng cường sức khoẻ, bổ sung chất dinh dưỡng.
  • Tài chính: Học cách quản lý chi tiêu, đầu tư tích luỹ an toàn qua sách chuyên ngành, khoá học hay từ những người thành công đi trước.
  • Hạnh phúc: Lắng nghe bạn đời của mình nhiều hơn, đặt mình vào vị trí của họ để đồng điệu và yêu thương, giúp đỡ nhau tiến bộ hơn mỗi ngày, cho nhau khoảng không gian riêng cần thiết để không thấy tù túng, ngột ngạt trong mối quan hệ hiện tại.
  • Phát triển bản thân: Đọc sách, tham gia các khoá học, câu lạc bộ, tự đặt ra thử thách để hoàn thiện bản thân mỗi ngày, học thêm ngoại ngữ hoặc một nghề tay trái cũng giúp bạn thông minh và tạo ra nhiều giá trị hơn trong cuộc sống.
  • Mối quan hệ: Tìm hiểu nguyên nhân khiến những mối quan hệ của bạn bị rạn nứt và tỏ thái độ thiện chí hàn gắn tình cảm với đối phương, thường xuyên thăm hỏi những người bạn đã lâu không liên hệ sẽ giúp bạn gia tăng sự gắn kết và mang lại cảm xúc tích cực cho cả đôi bên.
  • Giúp đỡ cộng đồng: Tham gia một hoặc một số câu lạc bộ giúp đỡ người khó khăn, các vùng bị thiên tai, bão lũ,…dù những gì bạn giúp đỡ có giá trị nhỏ, nhưng quan trọng là sự yêu thương lan toả khắp muôn nơi, nhiều tấm lòng nhỏ sẽ thành một tình yêu lớn.
  • Tận hưởng cuộc sống: Đừng mải kiếm tiền hoặc tập trung vào những khó khăn trong cuộc sống mà quên việc tận hưởng những thú vui, đam mê hay những trò chơi giải trí lành mạnh. Thỉnh thoảng hãy lười biếng nằm xem một bộ phim bạn yêu thích, đi đến nơi bạn muốn đến, ăn món ngon mà bạn vẫn ao ước được ăn, cuộc sống có bao lâu mà hững hờ?

Thiết nghĩ, thật hiếm có ai có thể đạt được sự cân bằng ở tất cả các khía cạnh của cuộc sống. Nhưng nếu cố gắng hoàn thiện bánh xe cuộc đời của riêng mình, chúng ta sẽ dần cảm nhận được trạng thái cân bằng đáng mơ ước, mang lại cho bạn sự thoải mái, thoả mãn, hạnh phúc và đủ đầy.

→ Có thể bạn quan tâm: Cách lập kế hoạch công việc hiệu quả

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *