Vì sao tỷ lệ tội phạm ở Mỹ lại có thể giảm mạnh chỉ trong một khoảng thời gian ngắn? Vì sao lời cảnh báo “The British are coming!” của một thợ bạc bình thường như Paul Revere lại có thể lan rộng ra khắp thành phố chỉ sau một đêm ngắn ngủi? Lý do vì sao mà một vài ý tưởng có thể trở thành hiện tượng nổi đình nổi đám chỉ trong nháy mắt, còn những ý tưởng khác lại thất bại? Cuốn sách Điểm Bùng Phát (The Tipping Point) của Malcolm Gladwell sẽ giúp độc giả hiểu được nguyên nhân sâu xa dẫn tới sự bùng nổ của những trào lưu kể trên.
Những ai đang trăn trở tìm công thức để “viral” thì nhất định không được bỏ qua cuốn sách hay ho này nhé.
1. Về tác giả sách Điểm Bùng Phát
Malcolm Gladwell là tác giả người Canada gốc Anh của 5 cuốn sách bán chạy nhất trên New York Times, bao gồm: Điểm bùng phát (The Tipping Point), Trong chớp mắt (Blink), Những kẻ xuất chúng (Outlier), Chú chó nhìn thấy gì (What the Dog Saw) và David and Goliath.
Ông bắt đầu sự nghiệp viết lách của mình khi làm việc cho các nhà xuất bản bảo thủ. Sau đó, ông trở thành một nhà văn của The New Yorker vào năm 1996. Gladwell trở nên nổi tiếng với hai bài báo đặc biệt của tờ New Yorker vào năm đó là “The Tipping Point” và “The Coolhunt” Hai bài báo này đã hình thành nền tảng cho cuốn sách Điểm Bùng Phát mà chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết hơn ngày hôm nay.
Đến bây giờ, những ai đã từng đọc các tác phẩm của Malcolm Gladwell chắc đã quá quen thuộc với lối hành văn của tác giả này rồi. Ông thường bắt đầu bằng một vài ví dụ nổi bật, sau đó đưa ra kết luận về một hiện tượng hoặc hiệu ứng xã hội nào đó. Điểm đặc trưng của Malcolm Gladwell là ứng dụng tâm lý học xã hội vào trong mỗi tác phẩm của mình.
Ông cũng là người đồng sáng lập của Pushkin Industries, một công ty chuyên sản xuất các podcast của Malcolm’s Revisionist History và Broken Record.
Malcolm Gladwell đã được đưa vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất của tạp chí Times và được bổ nhiệm vào Order of Canada vào ngày 30 tháng 6 năm 2011.
2. Nội dung chính của sách Điểm bùng phát
Xuyên suốt các chương sách Điểm Bùng Phát, tác giả Malcolm Gladwell đã chỉ ra 3 nhân tố cực kỳ quan trọng khiến những “đại dịch” được khởi phát, đó là:
- Quy luật thiểu số;
- Yếu tố kết dính;
- Sức mạnh của hoàn cảnh.
Có lẽ nhiều người trong chúng ta vẫn nghĩ rằng cụm từ “đại dịch” là để chỉ bệnh tật, chẳng hạn như đại dịch cúm, đại dịch sởi, và gần đây nhất là đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, “đại dịch” có quy mô rộng hơn thế rất nhiều. Cơn sốt trò chơi điện tử Flappy Bird vào những năm 2013, hay sự bùng phát của nạn giang mai,…đều được gọi chung là một “đại dịch”, miễn sao nó có tốc độ lan truyền chóng mặt chỉ trong thời gian cực ngắn.
Sau đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết về 3 nhân tố được đề cập phía trên.
Tham khảo review sách: 22 quy luật bất biến trong Marketing
2.1. Quy luật thiểu số
Theo nhận định của Malcolm Gladwell, “đại dịch” bùng phát là do tầm ảnh hưởng của một nhóm nhân vật thiểu số, và những nhân vật này thuộc một trong 3 nhóm người:
- Người kết nối (Connector): Nhóm này có mặt ở bất cứ đâu trong cuộc sống. Khả năng nổi trội nhất của họ là kết giao bạn bè, cũng như xây dựng các mối quan hệ. Vì thế họ có thể dễ dàng truyền đi những thông điệp (cả xấu cả tốt) để gắn kết mọi người trên khắp thế giới;
- Nhà thông thái (Maven): Nhóm này không chọn cách gắn kết từng người lại với nhau giống như cách mà connector đã làm, mà chọn cách khiến người khác phải tin tưởng vào bản thân họ. Khi muốn khởi phát một “đại dịch” truyền miệng, việc của Nhà thông thái là báo tin cho số ít những người tin tưởng họ, sau đó ngồi chờ những người này loan truyền tin tức cho phần còn lại của thế giới;
- Người bán hàng (Salesman): Nhóm này sẽ khiến chúng ta tin tưởng vào những đang được loan truyền.
Đối với mỗi nhóm người, Malcolm Gladwell sẽ kèm theo những ví dụ minh hoạ để độc giả có thể hiểu được vì sao họ lại gây được ảnh hưởng đến đa số những người còn lại.
2.2. Yếu tố kết dính
Yếu tố kết dính là những chi tiết nhỏ có khả năng tự lan truyền, nghĩa là “đại dịch” sẽ tự bùng phát mà không cần tới sự tác động của bất kỳ yếu tố bên ngoài nào khác. Yếu tố này tương tự như câu tục ngữ “Hữu xạ tự nhiên hương”, hiểu theo nghĩa đen có nghĩa là chỉ cần bản thân có mùi hương thì sẽ tự lan tỏa hương thơm mà không cần gió thổi.
Điều này có thể dễ dàng áp dụng trong việc kinh doanh: Sản phẩm/dịch vụ nào đạt được chất lượng tốt thì sẽ tự thu hút khách hàng tìm mua và tin tưởng vào bản thân sản phẩm/dịch vụ đó.
2.3. Sức mạnh của hoàn cảnh
Bạn đã từng nghe đến trường hợp cháy cả một khu rừng phòng hộ chỉ vì một du khách vứt tàn thuốc lá trong rừng chưa? Như vậy chúng ta có thể thấy, ban đầu chỉ là một đốm lửa nhỏ nhưng gặp được thời tiết hanh khô, cộng thêm gió thổi mạnh thì nó có thể biến thành một ngọn lửa dữ dội thiêu rụi toàn bộ khu rừng. Ở đây yếu tố thời tiết và hướng gió chính là đại diện cho sức mạnh của hoàn cảnh.
Bài học mà độc giả có thể rút ra như sau: Muốn tạo nên một “đại dịch”, chúng ta phải biết tự tạo ra yếu tố “Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa” cho riêng mình, hoặc là ngồi chờ thời và nhanh chóng nắm bắt thời điểm thích hợp để thực hiện hành động.
Mặc dù đã 20 năm kể từ khi cuốn sách Điểm Bùng Phát của Malcolm Gladwell được xuất bản lần đầu tiên, nhưng nó vẫn là một cuốn sách tuyệt vời và mang tính thời sự. Còn nữa, trong phần cuối cùng của cuốn sách, Malcolm Gladwell cũng có tóm tắt sơ lược về tính “miễn nhiễm” của tất cả các cơn lốc trong xã hội. Vì thế, nếu bạn muốn tìm hiểu kỹ hơn về chủ đề viral thì chắc chắn không được bỏ lỡ cuốn sách này nhé!