Ấn phẩm truyền thông là phương tiện giúp doanh nghiệp “chạm” tới khách hàng một cách gián tiếp nhưng vô cùng hiệu quả. Những ấn phẩm tốt sẽ tạo ra hiệu quả ngoài sức mong đợi. Vì thế, trong bài viết này hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ấn phẩm truyền thông là gì? Làm thế nào để thiết kế được một ấn phẩm truyền thông hấp dẫn nhé!
Tham khảo cách viết: Thông cáo báo chí
1. Ấn phẩm truyền thông là gì?
Ấn phẩm truyền thông bao gồm tất cả các vật phẩm, đồ dùng mà doanh nghiệp sử dụng nhằm xây dựng nhận thức quen thuộc về thương hiệu trong tâm trí khách hàng.
Khách hàng thường “thiên vị” đối với những thương hiệu đã in sâu vào tiềm thức của họ. Vì thế, việc doanh nghiệp đảm bảo tần suất xuất hiện thường xuyên của các ấn phẩm truyền thông là một chiến lược marketing hiệu quả giúp hình ảnh thương hiệu ngày càng đến gần hơn với khách hàng.
Đó cũng chính là cách giúp Baemin – một hãng giao đồ ăn “sinh sau đẻ muộn” đến từ Hàn Quốc có thể nhanh chóng chiếm được cảm tình của khách hàng Việt Nam.
Kể từ khi chính thức bước chân vào thị trường Việt Nam vào tháng 6/2019, Baemin không áp dụng chiến lược giảm giá sâu như Grabfood và Now đã từng làm, mà lại áp dụng chiến lược marketing bằng cách sử dụng biển quảng cáo ngoài trời có tông màu chủ đạo là xanh mint và chữ màu trắng.
Người dân Hà Nội và TPHCM đi đến quận nào cũng có thể bắt gặp các ấn phẩm màu xanh mint đặc trưng Baemin, từ đó Baemin ngày càng được biết đến rộng rãi hơn và nhanh chóng lọt top 3 hãng giao đồ ăn lớn nhất Việt Nam.
Những ấn phẩm truyền thông được tung ra không những phải đảm bảo tiêu chuẩn về mặt thiết kế mà còn chứa đựng một thông điệp marketing nhất quán mà thương hiệu muốn truyền tải tới khách hàng.
Có thể bạn quan tâm: PR là gì?
2. Phân loại ấn phẩm truyền thông
Hiện nay ấn phẩm truyền thông được chia ra làm 2 định dạng chủ yếu là ấn phẩm in truyền thống và ấn phẩm online.
2.1. Ấn phẩm in truyền thống
Sau khi doanh nghiệp chốt phương án thiết kế cuối cùng, những ấn phẩm này sẽ được bàn giao cho xưởng in để in ấn, và cuối cùng là giao cho bên thi công để lắp đặt tại khu vực tổ chức sự kiện hoặc lắp đặt ngoài trời để thực hiện công tác tuyên truyền cho sự kiện, hoạt động đó.
Những ấn phẩm in truyền thống được chia thành 6 loại phổ biến như sau:
- Flyer (Tờ rơi): Đây là một hình thức truyền thông hoặc tiếp thị đại chúng với chi phí thấp nhằm mục đích phân phối rộng rãi. Tờ rơi thường có 4 kích cỡ là A4, A5, A6, DL và được chuyển tới tay khách hàng bằng một trong các cách như: dán trên cột điện, phát ở nơi công cộng, trao trực tiếp cho các cá nhân hoặc gửi qua đường bưu điện. Trong những năm 2010, một số cá nhân và tổ chức chọn cách đính kèm tờ rơi dưới dạng pdf vào nội dung của email để tránh tốn tiền in ấn và tiền thuê người dán/phát tờ rơi;
- Poster (áp phích): Là một ấn phẩm có kích thước lớn, được thiết kế bằng các thủ pháp tạo hình mang tính thẩm mỹ cao, nhằm mục đích truyền đạt thông tin chính về một sản phẩm, một sự kiện hay một vấn đề nào đó. Poster thường được in trên giấy hay bìa cứng với chữ khổ lớn và hình ảnh bắt mắt, sau đó dán cố định ở những nơi đông người qua lại để mời gọi mọi người chú ý;
- Catalogue: Thường được in thành quyển, Catalogue giúp quảng bá rộng rãi sản phẩm/dịch vụ của công ty đến khách hàng. Kích thước phổ biến của catalogue là khổ giấy A4 và được in với số trang là bội số của 4 như 8, 12, 16,…
- Biển quảng cáo ngoài trời: Ấn phẩm này thường được treo dọc theo các tuyến đường cao tốc hoặc ốp trên tường hoặc mặt tiền của nhà ở tại những khu vực đông dân cư;
- Backdrop: Ấn phẩm này sẽ được trưng bày tại chính các buổi hội nghị hoặc sự kiện quan trọng như một bức phông nền sân khấu nhằm mục đích truyền tải thông điệp tới những người tham dự;
- Standee: Mục đích tương tự như backdrop, tuy nhiên standee được in ấn theo khổ đứng và kích thước nhỏ hơn, còn backdrop thường được in ấn theo khổ ngang với kích thước lớn.
Ưu điểm của ấn phẩm in truyền thống là giúp doanh nghiệp tiếp cận một cách trực diện với một lượng lớn khách hàng đại chúng. Tuy nhiên nhược điểm của phương pháp này là tốn kém chi phí và không thể hướng tới một đối tượng khách hàng cụ thể. Riêng với flyer còn gây nên tình trạng mất mỹ quan đô thị do khách hàng vứt tờ rơi bừa bãi trên đường phố.
Tìm hiểu về: Bộ nhận diện thương hiệu
2.2. Ấn phẩm online
Ấn phẩm truyền thông online được thiết kế để phục vụ cho việc quảng bá hình ảnh thương hiệu thông qua mạng lưới internet.
Những ấn phẩm online mà chúng ta thường xuyên bắt gặp gồm có logo, giao diện website, banner online,…
Ưu điểm của ấn phẩm online là tiết kiệm chi phí in ấn và chi phí lắp đặt, đồng thời có thể tiếp cận được số lượng lớn khách hàng trên toàn cầu. Tuy nhiên nhược điểm của nó là dễ bị khách hàng lướt qua.
3. Vì sao doanh nghiệp cần thiết kế ấn phẩm truyền thông?
3.1. Phục vụ cho công tác marketing, quảng cáo
Tất nhiên rồi, doanh nghiệp nào cũng hướng tới mục tiêu là thu hút khách hàng mới và nâng cao doanh số bán. Và để có thể thu hút được sự chú ý của khách hàng mới thì công cụ không thể thiếu đối với công tác marketing và quảng cáo chính là các ấn phẩm truyền thông.
Thông qua các ấn phẩm này, trước tiên khách hàng sẽ biết về doanh nghiệp của bạn kinh doanh sản phẩm/dịch vụ gì, địa chỉ ở đâu,… sản phẩm/dịch vụ có tính năng gì, có thể giải quyết được nhu cầu của họ hay không, giải quyết như thế nào,…
Những ấn phẩm truyền thông hấp dẫn có thể thuyết phục khách hàng tin tưởng và sẵn sàng chi tiền để trải nghiệm sản phẩm/dịch vụ mà doanh nghiệp của bạn cung cấp.
3.2. Lan tỏa thương hiệu
Ngay cả đến các thương hiệu lớn, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường vẫn phải chi một số tiền không nhỏ hàng năm cho cả ấn phẩm truyền thông online và offline.
Đặc biệt với thị trường “trăm người bán, một người mua” cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, cho dù sản phẩm tốt đến mấy nhưng không được marketing rộng rãi thì vẫn có thể chìm vào quên lãng. Chỉ khi hình ảnh thương hiệu xuất hiện thường xuyên thì khách hàng mới đủ tin tưởng và nhớ đến doanh nghiệp của bạn. Họ sẽ nghĩ ngay đến sản phẩm/dịch vụ của bạn chứ không phải của đối thủ cạnh tranh khi có nhu cầu.
3.3. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp
Văn hóa doanh nghiệp và truyền thông nội bộ là hai yếu tố song hành, đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển doanh nghiệp. Và công cụ để thiết lập cũng như duy trì các hoạt động này chủ yếu là các ấn phẩm truyền thông. Từ đó, doanh nghiệp ngày càng được xây dựng vững chắc từ bên trong.
4. Cách viết ấn phẩm truyền thông hấp dẫn
Một ấn phẩm truyền thông được coi là hấp dẫn đối với khách hàng phải đảm bảo 6 yếu tố sau đây:
4.1. Nắm rõ nhu cầu khách hàng
Doanh nghiệp phát hành ấn phẩm truyền thông với mục đích gì? Đối tượng mà các ấn phẩm này nhắm đến là ai?
Đây là hai câu hỏi sẽ chi phối toàn bộ nội dung thiết kế, vì vậy doanh nghiệp phải trả lời được 2 câu hỏi này thì mới có thể nắm rõ nhu cầu của khách hàng. Từ đó biết cách chọn lọc những thông tin cần thiết và thiết yếu để truyền tải đến cho khách hàng mục tiêu. Tránh được việc truyền tải thông tin một cách lan man, hoặc nghiêm trọng hơn là truyền tải thông tin sai lệch so với mong muốn của người đọc.
Lúc này, cho dù ấn phẩm có được thiết kế đẹp đến mấy thì cũng không đem lại hiệu quả trong việc quảng bá, thậm chí còn phải hứng chịu hiệu ứng ngược từ phía khách hàng.4.2. Nội dung trang bìa thu hút
Có thể nói trang bìa là yếu tố quan trọng nhất quyết định mức độ hấp dẫn của một ấn phẩm truyền thông. Không phải nội dung bên trong, trang bìa mới là phần đầu tiên “đập” vào mắt khán giả, vì vậy bạn phải đầu tư ý tưởng sáng tạo nhiều hơn vào thiết kế và nội dung của trang bìa.
Những đơn vị thiết kế chuyên nghiệp thường sẽ biết cách tìm ra những lợi ích mà người mua mong muốn nhận được nhất, sau đó thiết kế câu chữ và hình ảnh thật hấp dẫn sao cho người nhìn phải tò mò click vào để xem được nội dung bên trong.
Ví dụ, đối với nhóm khách hàng là học sinh sinh viên, họ sẽ quan tâm nhiều nhất là giá cả, sau đó mới tới chất lượng và các yếu tố khác. Vì vậy khi thiết kế trang bìa, yếu tố mà designer thường sẽ làm nổi bật nhất trên ấn phẩm là giá tiền để thu hút người đọc đọc tiếp những trang tiếp theo.
4.3. Miêu tả sản phẩm/dịch vụ khéo léo
Một ấn phẩm hấp dẫn sẽ kết hợp được giữa Pain point & Insight khách hàng với USP của sản phẩm/dịch vụ. Trong đó Pain point là những vấn đề mà nhóm khách hàng của bạn đang gặp phải, còn USP là lợi thế độc nhất mà chỉ sản phẩm/dịch vụ của bạn mới có.
Giả sử bạn đang thiết kế ấn phẩm truyền thông cho sản phẩm là thang máy, bạn sẽ lên ý tưởng thiết kế như thế nào? Một trong những pain point hiện nay của các tòa nhà văn phòng, chung cư cao tầng là thời gian chờ quá lâu và hiệu suất tải kém. Đi học, đi làm vào giờ cao điểm thì phải xếp hàng hàng chục phút đồng hồ. Chưa kể đi thang máy có thể coi là chuyến đi đầu tiên trong ngày nên nếu ách tắc quá lâu sẽ ảnh hưởng nhiều đến tâm trạng và chất lượng làm việc của cả ngày hôm đó.
Như vậy chung quy lại, nội dung ấn phẩm của bạn nên miêu tả về hiệu suất thang máy tốt, tải được nhiều người cùng lúc là tốt nhất.
4.4. Cung cấp nội dung hữu ích
Việc các thương hiệu cố gắng tạo ra điểm nhấn cho các ấn phẩm truyền thông của họ là không sai. Tuy nhiên trọng điểm của việc phát hành ấn phẩm truyền thông không phải nằm ở màu sắc thiết kế hay những icon dễ thương, mà phải nhắm vào nội dung thông điệp chính.
Tùy thuộc vào đối tượng khách hàng và từng loại sản phẩm cụ thể mà bạn có thể chọn lọc thông tin sao cho phù hợp. Ví dụ, nếu khách hàng của bạn là người trẻ, bạn có thể sử dụng một số ngôn từ bắt trend hiện nay như “Ét o ét”, “Aissh chết tiệt”,…để tăng tính hấp dẫn, tuy nhiên nó sẽ không phù hợp nếu như tập khách hàng của bạn là lứa tuổi trung niên hoặc người già.
4.5. Phân bổ thông tin một cách khoa học
Trong quá trình thiết kế ấn phẩm truyền thông, tuyệt đối không nên nhồi nhét quá nhiều thông tin vào trong một ấn phẩm, chỉ cần trình bày thông tin có giá trị nhất là đủ. Trình bày quá nhiều sẽ khiến người đọc rối mắt, không biết nên tập trung vào nội dung nào.
Việc bố trí khoảng trắng hợp lý cũng là một điều cần thiết để người đọc dễ dàng tiếp nhận thông điệp.
4.6. Call to action: Kêu gọi hành động
Sau khi trình bày đầy đủ thông tin về sản phẩm/dịch vụ, bạn sẽ cần chèn thêm nút CTA có màu sắc tương phản với background hoặc là các chương trình giảm giá, voucher khuyến mãi để kích thích người đọc thực hiện hành vi mua hàng ngay lúc đó. Nếu để người đọc thoát ra ngoài, tỷ lệ phần trăm quay lại mua là rất ít.
Tham khảo: Cách viết CTA hấp dẫn
5. Những lưu ý khi thiết kế ấn phẩm truyền thông
Mỗi ngày khách hàng nhận được hàng chục, thậm chí hàng trăm thông điệp quảng cáo khác nhau từ online đến offline. Vậy thương hiệu cần lưu ý những gì để tạo ra một ấn phẩm truyền thông khiến khách hàng sẵn sàng dừng lại xem chúng giữa hàng trăm thông điệp quảng cáo kia?
5.1. Bố cục thiết kế
Trước khi thiết kế một ấn phẩm truyền thông bất kỳ, designer cần tuân thủ các quy luật trong thiết kế như sau:
- Tìm trọng điểm;
- Dẫn dắt hướng nhìn theo các đường lines;
- Cân bằng tương phản;
- Nguyên tắc một phần ba.
5.2. Phông chữ
Bạn có biết, mỗi lĩnh vực sẽ phù hợp với một font chữ nhất định. Ấn phẩm thiết kế cho trẻ em thường ưu tiên chọn những font có đường nét tròn trịa. Font chữ để thiết kế ấn phẩm quảng bá cho 1 trailer phim kinh dị thường sẽ khá bí ẩn. Còn font chữ quảng bá cho các sản phẩm công nghệ thì lại thường khoẻ khoắn, không cần quá cầu kỳ,…Bạn không thể chọn font chữ Time New Roman để thiết kế poster cho một bộ phim hoạt hình, như thế sẽ chẳng có gì nổi bật cả.
Một lưu ý khác là bạn không nên sử dụng nhiều hơn 3 font chữ trong cùng một thiết kế, như vậy sẽ tránh việc xung đột font.
5.3. Màu sắc
Bạn có để ý thấy hầu như poster phim kinh dị nào cũng thường chỉ sử dụng ba màu sắc chính cho cả màu chữ và màu nền là đen, đỏ, trắng không?
Không phải ngẫu nhiên mà người ta lại chọn ba màu sắc đó đâu, vì nó mang đến cho người xem sự bí ẩn, rùng rợn. Rất phù hợp với tính chất của một bộ phim kinh dị.
Trong thiết kế ấn phẩm truyền thông nói riêng và thiết kế nói chung, bạn nên phân biệt rõ màu sắc thành: màu nền, màu chủ đạo và màu bổ trợ. Đồng thời cũng không nên sử dụng nhiều hơn 3 màu sắc trong cùng một thiết kế.
5.4. Chất lượng hình ảnh
Khi in ấn ấn phẩm truyền thông, bạn phải tuân theo mã màu RGB. Muốn tránh tình trạng sau khi in file bị vỡ ảnh thì bạn phải lưu thiết kế dưới định dạng PDF, JPG, PNG…
5.4. Chất lượng giấy in
Cùng là một bản thiết kế, nhưng khi in ấn dưới hai chất liệu khác nhau sẽ cho ra hai thành phẩm với màu sắc khác biệt hoàn toàn. Vì vậy, bạn nhất định phải lưu ý điều này để tránh trường hợp in số lượng lớn mà màu sắc thành phẩm lại bị đậm/nhạt hơn so với file gốc.
Đối với các thiết kế có quá nhiều hoạ tiết nhỏ, nếu chất lượng giấy in không tốt, sau khi in ra sẽ bị mất đi hoặc là quá mờ. Cả hai điều này đều gây ảnh hưởng không tốt đến chất lượng ấn phẩm.
Đó là toàn bộ những thông tin hữu ích mà chúng tôi muốn chia sẻ về định nghĩa ấn phẩm truyền thông là gì và các lưu ý khi sáng tạo ấn phẩm truyền thông. Mong rằng qua bài viết này, bạn có thể tạo ra những ấn phẩm truyền thông đặc biệt, mang lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp. Chúc bạn thành công.